28/01/2013 - 21:15

Thức ăn chăn nuôi lại tăng giá

Người nuôi tiếp tục khốn đốn

Sức mua nhiều loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường đang giảm mạnh. Trong ảnh: mua, bán thức ăn chăn nuôi tại một cửa hàng ở
quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Đầu năm mới 2013, giá heo hơi, cá tra thương phẩm… chẳng những không tăng mà còn giảm mạnh. Không ít nông dân muốn “neo” vật nuôi lại với hy vọng giá  phục hồi mới xuất bán; song, ý định đó của người chăn nuôi rất khó thực hiện khi giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao. Người chăn nuôi buộc phải bán để cắt lỗ…

Giá thức ăn tăng lũy tiến

Hiện giá nhiều loại thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng từ 200-600 đồng/kg so với tháng trước, tăng mạnh nhất là các loại thức ăn đậm đặc. Tại nhiều cửa hàng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi ở TP Cần Thơ, giá bán lẻ nhiều loại thức ăn chăn nuôi đậm đặc dạng bột (như Cargill, Con Cò, Hi-Gro…) phổ biến: 18.000-19.000 đồng/kg  (tương đương 450.000-475.000 đồng/bao/25kg); riêng một số loại thức ăn siêu đậm đặc dạng bột (dành cho heo con, cá giống) lên đến 20.000-23.200 đồng/kg (tương đương 500.000-580.000 đồng/bao 25kg). Thức ăn nuôi hỗn hợp dạng viên của nhiều hãng trong nước đang có giá 11.000-12.600 đồng/kg (275.000-315.000 đồng/bao 25kg); giá nhiều thức ăn nuôi hỗn hợp dạng viên của các hãng liên doanh với nước ngoài ở mức 12.000- 15.800 đồng/kg (khoảng 300.000-395.000 đồng/bao 25kg)…

Theo nhiều cửa hàng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi ở TP Cần Thơ, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lấy lý do giá nguyên liệu nhập khẩu, giá  điện và các chi phí sản xuất đầu vào tăng, nên phải điều chỉnh giá. Gần đây, các nhà sản xuất và cung cấp thức ăn chăn nuôi chỉ thông báo việc tăng giá bán  rất sát ngày điều chỉnh, các cửa hàng kinh doanh không thể chủ động lấy thêm hàng về trước lúc giá tăng, nên buộc phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ tương ứng ngay sau đó. Anh Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ một cửa hàng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Sức tiêu thụ các loại thức ăn chăn nuôi vốn yếu, nay giá tăng càng làm cho nhiều người chăn nuôi heo, gia cầm và các loại thủy sản không dám phát triển nuôi. Hiện sức tiêu thụ các loại thức ăn chăn nuôi tại cửa hàng tôi đã giảm khoảng 40% so với năm trước”...

Ngoài nguyên nhân giá tăng làm  sức tiêu thụ yếu, thì việc nhiều cửa hàng bán lẻ thức ăn chăn nuôi đang hạn chế bán thiếu cho khách hàng cũng góp phần làm sức tiêu thụ giảm. Bà Hồ Thị Thanh Giang, Chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi Tài Giang ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Trước tình hình kinh tế khó khăn khó, vay vốn khó trong khi nhiều nhà sản xuất, cung cấp thức ăn chăn nuôi đòi hỏi mua hàng phải trả bằng tiền mặt, nên hiện nhiều cửa hàng bán lẻ thức ăn chăn nuôi phải hạn chế bán thiếu cho người dân. Nhưng vấn đề chính vẫn là ở giá bán đầu ra sản phẩm của các  loại vật nuôi quá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí sản xuất đầu vào ngày càng tăng, người chăn nuôi khó kiếm lời. Đó là chưa kể việc chăn nuôi của họ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh”. Theo bà Giang, hiện sức tiêu thụ các loại thức ăn chăn nuôi tại cửa hàng đã giảm thêm khoảng 10-20% so với cách nay một vài tháng và đang giảm  khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Người chăn nuôi khó trăm bề!

Bước vào đầu năm 2013, sức mua các loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường  nhìn chung vẫn khá yếu, do nhiều người dân chưa mạnh dạn tái đàn gia súc gia cầm và tái đầu tư nuôi thủy sản vì giá đầu ra sản phẩm vẫn bấp bênh. Trong đó, đáng chú ý là giá đầu ra sản phẩm của con cá tra và heo hơi đã tuột xuống dưới mức giá thành sản xuất, khiến người chăn nuôi lỗ nặng, phải treo “ao”, treo “chuồng” sau khi xuất bán vật nuôi. Nhiều người nuôi  có heo, cá chưa xuất bán buộc phải cho ăn cầm chừng nhằm giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu vào và gắng gượng chờ giá đầu ra cải thiện.  Trong tình hình đó, thay vì cùng chia sẻ với người chăn nuôi, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lại bồi thêm một đòn “chí mạng” khi tiếp tục điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi.

Theo nhiều người chăn nuôi ở TP Cần Thơ, giá heo hơi phải ở mức 4 triệu đồng/tạ người chăn nuôi mới huề vốn và từ 4,2 triệu đồng/tạ trở lên mới đảm bảo cho họ có lời. Nhưng thực tế thì giá heo hơi đang giảm xuống ở mức rất thấp và không biết bao giờ mới tăng. Theo bà Nguyễn Thị Lợi ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, tháng trước, giá heo hơi đã tăng lên ở mức 3,9-4 triệu đồng/tạ, nhưng nay tuột xuống chỉ còn 3,7-3,8 triệu đồng/tạ. Trong khi đó, giá thức ăn gia súc đã tăng thêm 5.000-15.000 đồng/bao 25kg. “Tôi có 11 con heo tính ráng chờ gần Tết giá tăng mới bán, không ngờ giá lại giảm, thức ăn chăn nuôi thì tăng, sợ neo lại càng lỗ nặng, tôi đành bấm bụng kêu bán”- bà Lợi nói. Với giá bán 3,8 triệu đồng/tạ, chưa kể công chăm sóc, tính ra bà Lợi bị lỗ khoảng 200.000 đồng/tạ heo. Gia đình chị Biện Thị Huệ ở ấp Đông Lợi, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ hiện đang nuôi 20 con heo thịt, trong đó có 10 con gần tới lứa xuất bán. Đầu ra heo hơi lại bấp bênh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chị nhận tiền cọc bán heo hơi cho thương lái với giá chỉ 3,7 triệu đồng/tạ nhưng đến 25 Tết họ mới bắt heo. Chị Huệ nói: “Heo hơi tuột giá, nhưng thương lái chê này chê nọ, khiến cho người chăn nuôi heo tại các vùng sâu vùng xa khó bán heo được giá cao. Dù biết nhận cọc bán heo hơi lúc này bị lỗ, nhưng nếu không nhận tôi sợ tới đây không bán được thì biết lấy tiền đâu để mua thức ăn cho đàn heo lứa còn lại”.

Gần đây, giá các loại thức thủy sản tăng cũng làm cho nhiều người nuôi cá tra thêm điêu đứng khi giá cá tra nguyên liệu ở mức 21.500-22.000 đồng/kg vào tháng trước, hiện chỉ còn 19.000-21.000 đồng/kg. Trong khi giá thành nuôi cá tra thương phẩm đã 23.500- 24.500 đồng/kg. Ông Võ Văn Đệ ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, cho rằng: “Người nuôi cá tra không chỉ khổ vì giá đầu ra bấp bênh mà còn rất mệt mỏi với tình hình giá các chi phí sản xuất đầu vào tăng, nhưng chất lượng thì không được đảm bảo tốt. Đối với thức ăn thủy sản, hiện chỉ có một vài thương hiệu mà nông dân có thể tin tưởng có chất lượng ổn định, đảm bảo  cho cá cho ăn từ 1,6-1,62 kg thức ăn đạt tăng trọng 1kg”. Chỉ tính riêng giá thức ăn thì giá thành nuôi 1 kg cá tra thương phẩm tốn khoảng 19.200 đồng, nếu chất lượng thức ăn không đảm bảo hay giá thức ăn tiếp tục nhích lên sẽ tác động rất lớn đến giá thành nuôi. Thời gian qua, có một nghịch lý là trước sự tăng trưởng về diện tích nuôi và sản lượng cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL, cả người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đều than lỗ. Vậy phần lợi thuộc về ai, phải chăng thuộc về các nhà sản xuất và nhập khẩu thức ăn chăn nuôi? Theo nhiều người chăn nuôi thủy sản, chi phí cho thức ăn chăn nuôi đang chiếm chủ yếu trong giá thành nuôi cá tra cũng như nhiều loại vật  nuôi khác. Chính vì vậy, muốn phát triển bền vững con cá tra và ngành chăn nuôi ở ĐBSCL đòi hỏi phải có nguồn thức ăn chăn nuôi ổn định về giá cả và chất lượng. Để làm được như vậy, rất cần phải có sự quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

          Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết