Xuất phát từ việc giải quyết đầu ra cho nông sản, bà Nguyễn Thị Bảy (ngụ xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm từ trái mãng cầu xiêm, xuất bán ra nhiều nước trên thế giới.
Trà mãng cầu xiêm.
Với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.337ha, xã đảo Tân Thạnh nằm giữa hai nhánh sông Cửa Trung và Cửa Đại. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất được mệnh danh là "thủ phủ" của trái mãng cầu xiêm, bà Bảy đã hết mình nâng tầm giá trị loại trái đặc sản quê nhà, góp phần đa dạng sản phẩm từ loại trái này trên thị trường trong và ngoài nước.
Ngược thời gian từ 2012 về trước, với 1ha đất trồng cây mà gia đình đang sở hữu, sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng từ dừa, sapoche, nhãn… rồi tiếp tục quay lại trồng dừa, nhưng vẫn không có tiến triển tốt về giá cả, việc mua bán phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, dẫn đến việc bị ép giá, không có lời. Cùng thời điểm đó, theo xu hướng chung của 1 loại cây "mới mà cũ" đang nhận được nhiều chú ý tại huyện Tân Phú Đông, đó là cây mãng cầu xiêm, khi giá cả loại trái này đang tốt hơn so với dừa. Sau khi tìm hiểu thị trường, bà Bảy quyết định cải tạo đất, chuyển đổi 30% diện tích đất sang trồng thử nghiệm cây mãng cầu xiêm.
Mãng cầu xiêm lên men.
Năm 2013, sau thời gian trồng, cây mãng cầu xiêm cho thu hoạch. Tuy nhiên, thời điểm này giá bán lại không được như trước, do có sự mở rộng về diện tích mãng cầu xiêm tại địa phương. Sản lượng nhiều nhưng đầu ra không đảm bảo, giá cả trồi sụt có nhiều thời điểm trái chín phải bán tháo giá rẻ. Do số lượng trái tại vườn nhà rất nhiều, giá lại rẻ các trái không bán được, chín thúi phải đem bỏ. Thấy tiếc, bà Bảy cắt nhỏ mãng cầu xiêm đem phơi để dành pha nước uống. Rồi như cái duyên định sẵn, người con của bà học chuyên ngành công nghệ thực phẩm, giúp bà tìm hiểu được trái mãng cầu xiêm có thể sử dụng làm trà mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe. "Trong lúc trái chín rụng đầy vườn phải đem bỏ, tôi nhớ ông bà ta đã từng lấy những trái mãng cầu xiêm cắt nhỏ rồi phơi khô hay rang, sau đó nấu uống hằng ngày cho hương vị đậm đà, có lợi cho sức khỏe. Nhờ con học ngành công nghệ thực phẩm chia sẻ về giá trị dinh dưỡng mà trái mãng cầu xiêm mang lại. Tôi đã nghiên cứu, chế biến trái mãng cầu xiêm thành trà", bà Bảy nhớ lại.
Năm 2015, bà Bảy quyết định cùng nhau góp tiền lập cơ sở sản xuất trà mãng cầu xiêm với thương hiệu Vĩnh Phát. Sau khi xưởng và thiết bị đã nhập về thì tiến hành sản xuất thử để tìm ra một quy trình sản xuất mà trà có chất lượng tốt nhất. Mỗi một mẫu thử làm ra đều được ghi nhận các thông số về thời gian sấy, nhiệt độ sấy và màu trà, mùi thơm sau khi pha,… Kết quả thông qua Trung tâm 3 tại TP Hồ Chí Minh kiểm định để chọn ra một quy trình đảm bảo giữ trọn vẹn thành phần dinh dưỡng của mãng cầu khi làm trà. Để thuận lợi cho việc phát triển cũng như mở rộng sản xuất, năm 2018, cơ sở vĩnh Phát được chuyển lên thành Công ty TNHH Travipha với 2 nhà xưởng cùng nhiều thiết bị sản xuất hiện đại an toàn.
Để có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất, bà Bảy đã liên kết với các hộ trồng mãng cầu ở địa phương trong việc cung cấp nguyên liệu. Điểm khác biệt để tạo nên thương hiệu trà nằm ở bí quyết chọn nguyên liệu và quy trình sản xuất. Sau khi lựa chọn những trái mãng cầu xiêm đạt tiêu chuẩn, đem rửa sạch, ngâm nước sục ozone để diệt khuẩn trong 30-40 phút. Sau đó, trái được để ráo nước và tách bỏ hạt rồi đưa vào máy cắt nhỏ, sấy khoảng 5-6 giờ trước khi đóng gói. Khu nhà xưởng được xây riêng và chia thành các buồng rửa, bổ, cắt, sấy, đóng gói… Sản phẩm của bà Bảy đạt tiêu chuẩn được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Tiền Giang. Không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà sản phẩm còn vươn xa ra các thị trường nước ngoài khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Canada, Singapore.
Sau thành công với trà trái mãng cầu, bà Bảy tiếp tục nghiên cứu và chế biến nước ép mãng cầu xiêm. Trong quá trình nghiên cứu và chế biến các sản phẩm từ trái mãng cầu xiêm, bà Bảy đã tìm ra một hướng đi mới đầy tiềm năng hơn, đó là sản phẩm rượu vang mãng cầu và rượu Wishky mãng cầu. Trái mãng cầu xiêm khi được lên men tự nhiên tạo ra một loại rượu có hương vị độc đáo, không quá nồng nhưng lại có hậu vị ngọt dịu và mùi thơm đặc trưng của trái mãng cầu.
Rượu vang mãng cầu xiêm.
"Với rượu từ trái mãng cầu, khi mãng cầu chín mọng, sẽ được hái và chuyển đến nhà máy chế biến của công ty ngay trong ngày, để đảm bảo trái tươi ngon nhất. Tại đây, những trái mãng cầu xiêm được chọn lọc kỹ càng, loại bỏ cuống, hạt và rửa sạch, trước khi đem ép lấy nước. Phần dịch quả tươi ngon, đậm đà tinh túy của trái mãng cầu xiêm sẽ được lên men tự nhiên cùng với men rượu vang chất lượng cao. Quá trình lên men được kiểm soát nghiêm ngặt về nhiệt độ và thời gian, nhằm đảm bảo rượu vang giữ được hương thơm tự nhiên của trái cây, đồng thời có độ cồn và vị cân bằng, hài hòa", bà Bảy cho biết.
Sự thành công trong việc chế biến các sản phẩm từ trái mãng cầu xiêm của bà Bảy không chỉ mang lại lợi ích cho gia đình mà còn góp phần giải quyết đầu ra cho loại trái đặc sản của Tân Phú Đông, tạo công ăn việc làm cho hàng chục chị em phụ nữ ở địa phương và quan trọng hơn là làm thay đổi diện mạo kinh tế của xã Tân Thạnh và cả vùng Tân Phú Đông. Mô hình khởi nghiệp từ trái mãng cầu xiêm của bà Bảy được chính quyền địa phương đánh giá rất cao và chọn đây là tấm gương điển hình trong khởi nghiệp của người dân Tân Phú Đông.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH