10/08/2011 - 08:09

Phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Người dân vẫn còn chủ quan

Tháng 7-2011, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố tổ chức kiểm tra việc xử lý ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ (khu vực có 2 ca độ I, II hoặc 1 ca độ III, IV trong một tuần) ở các xã, phường, thị trấn. Qua công tác kiểm tra, cán bộ tham gia kiểm tra nhận định: Người dân vẫn còn thờ ơ, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH)

* Vẫn còn chủ quan, thờ ơ

Cuối tháng 7-2011, Đoàn kiểm tra xử lý ổ dịch SXH do TTYTDP thành phố, quận Bình Thủy và trạm y tế phường Thới An Đông đã đến kiểm tra 2 khu vực có ca SXH Dengue C (độ III) là khu vực Thới Hưng và Thới Hòa thuộc phường. Tính đến ngày 27-7, phường Thới An Đông có 8 ca bệnh SXH, trong đó có 2 ca SXH Dengue C. Đáng chú ý chỉ trong vòng 19 ngày (từ ngày 1-7 đến ngày 19-7), trên địa bàn phường từ 3 ca SXH đã tăng lên đến 8 ca. Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, dì bé Võ Hào Phong, 18 tháng tuổi bị SXH Dengue C (độ III) ở khu vực Thới Hưng cho biết: “Vừa qua gia đình chúng tôi đã bị một phen hoảng sợ”.

Các vật phế thải như miểng dừa, vỏ xe… thường là nơi lăng quăng trú ngụ. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố kiểm tra xử lý ổ dịch nhỏ tại khu vực Thới Hòa.  

Tuy vậy, vẫn còn nhiều người dân chủ quan, thờ ơ với căn bệnh này. Tại nhà chị H., hàng xóm của chị Nguyễn Thị Bích Phượng, đoàn kiểm tra phát hiện lu nước mưa trước sân và lu nước ở sàn nước đầy lăng quăng. Chị H. cho biết: “Cứ nghĩ thả cá ăn hết lăng quăng nên không kiểm tra lu nước thường xuyên”. Chị H. có thả một con cá trong lu nước, trong khi quá nhiều lăng quăng nên cá ăn không xuể.

Ở khu vực Thới Hòa, nhiều bà con địa phương biết tin cháu Hà Nguyễn Thị Như Huỳnh, 9 tuổi, bị SXH Dengue C (độ III) nhưng khi kiểm tra ở khu vực này, tỷ lệ dụng cụ chứa nước có lăng quăng (chỉ số Bréteau) lên đến 85, trong khi theo quy định không được vượt quá 20. Có nhiều hộ dân nhà cửa sạch sẽ, khang trang, trong nhà không có lăng quăng nhưng xung quanh nhà thì lại đầy những thứ có chứa lăng quăng. Như hộ chị Ngọc Hà, hàng xóm của bé Như Huỳnh, nhà mới cất, rất đẹp và sạch nhưng phía sau nhà còn rất nhiều máng heo chứa đầy nước và lăng quăng. Chị Hà phân trần: “Tui nghỉ nuôi heo lâu rồi, đâu nghĩ trời mưa máng heo ứ nước, là nơi để lăng quăng trú ngụ”. Sau khi được đoàn kiểm tra góp ý, chị Hà sai con trai xúc cát đổ đầy mấy máng heo, không để nước mưa tích tụ. Y sĩ Nguyễn Ngọc Thọ, Trưởng trạm Y tế phường Thới An Đông bức xúc nói: “Với những ổ dịch SXH nhỏ, chúng tôi tổ chức đoàn đến tận nhà người dân trong vòng bán kính 200m để tuyên truyền về bệnh SXH, kiểm tra dụng cụ chứa nước xem có lăng quăng hay không, hướng dẫn người dân cách diệt lăng quăng và diệt muỗi, rồi tiến hành phun hóa chất... Mỗi một trường hợp xử lý như thế, chúng tôi đi tới đi lui khu vực đó không dưới 10 lần. Trạm Y tế cũng phối hợp với các khu vực xây dựng 30 điểm nuôi cá để cấp miễn phí cho người dân thả vào dụng cụ chứa nước diệt lăng quăng. Vậy mà một số người dân vẫn thiếu ý thức phòng chống dịch bệnh”. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu trạm y tế kết hợp với chính quyền, các ban, ngành ở khu vực Thới Hòa hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, xử lý môi trường... để chỉ số Bréteau dưới 20 mới đạt yêu cầu.

Bác sĩ Phạm Thành Dễ, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc- xin sinh phẩm, TTYTDP TP Cần Thơ cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế thành phố kiểm tra 100% việc xử lý ổ dịch nhỏ, TTYTDP thành phố kết hợp với quận, huyện kiểm tra thực tế tại các hộ dân. Qua kiểm tra, phần lớn bà con đều biết bị muỗi vằn mang mầm bệnh SXH cắn sẽ gây SXH. Vì thế họ thường xuyên súc rửa lu, khạp... Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chủ quan, ít quan tâm đến các vật phế thải như miểng dừa, lon bia, vỏ xe... bị đọng nước đều là nơi cho muỗi đẻ trứng. Vì thế, đoàn kiểm tra nhắc nhở bà con cần thường xuyên kiểm tra dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà để diệt lăng quăng. Các hộ dân có thể thả cá lia thia, cá bảy màu, cá rô hay cá sặt nhỏ vào dụng cụ chứa nước, những loại cá này rất thích ăn lăng quăng. Ngoài ra, bà con cũng phải thường xuyên thoa thuốc chống muỗi, ngủ mùng kể cả ban ngày vì muỗi vằn hoạt động chủ yếu ban ngày, mạnh nhất từ 7-8 giờ và từ 17-18 giờ.

* Tăng cường phòng chống bệnh SXH

Tính đến ngày 27-7, theo thống kê của TTYTDP thành phố, toàn thành phố có 397 ca bệnh SXH, giảm 7 ca so với cùng kỳ, không có ca tử vong. Tuy nhiên, số ca bệnh SXH ở các quận, huyện giảm không đồng đều, một số quận, huyện có số ca mắc vẫn cao như Ninh Kiều (85 ca), Bình Thủy (60 ca), Cái Răng (54 ca). Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, TTYTDP TP Cần Thơ, cho biết: “Tuy số lượng ca SXH giảm so với cùng kỳ nhưng chúng tôi chưa yên tâm, vì đây mới chỉ đầu mùa mưa. Cao điểm dịch SXH thường từ tháng 6 đến tháng 11. Trong tháng 7 và tháng 8, chúng tôi tập trung kiểm tra xử lý ổ dịch nhỏ. Với những ổ dịch nhỏ mà chỉ số Bréteau trên 20, đoàn kiểm tra yêu cầu địa phương phải xử lý môi trường lại. TTYTDP thành phố vừa xây dựng kế hoạch trình Sở Y tế, UBND thành phố hỗ trợ kinh phí tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống SXH, dự kiến triển khai vào giữa tháng 8. Trong chiến dịch, tổ chức phun hóa chất diện rộng diệt muỗi ở một số xã, phường có số ca mắc SXH tăng cao so với cùng kỳ; các xã, phường còn lại thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng chủ yếu tập trung vãng gia tuyên truyền vận động hộ gia đình thực hiện việc kiểm tra dụng cụ chứa nước xem có lăng quăng thì tiến hành xử lý đổ bỏ lăng quăng tại chỗ”.

Nhiều năm nay, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh SXH. Tuy nhiên, việc phòng, chống dịch bệnh có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức của các hộ dân. Bà Ngô Thị Út, khu vực Thới Hòa, phường Thới An Đông bức xúc nói: Tôi biết bệnh SXH rất nguy hiểm nên gia đình thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng. Nhưng khổ nỗi mình kỹ nhưng hàng xóm chưa kỹ thì vẫn có muỗi, vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Bác sĩ Trần Văn Tuấn chia sẻ: Cả khu vực người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng nhưng chỉ cần một vài hộ không thực hiện là muỗi mang mầm bệnh có thể cắn nhiều người, gây dịch bệnh. Trong thời gian ủ bệnh, bệnh SXH lây lan mạnh. Vì thế, thời gian tới, giải pháp tốt nhất để phòng chống dịch bệnh vẫn là huy động sức mạnh cộng đồng, với sự tham gia tích cực của từng hộ dân trong việc giữ vệ sinh trong và ngoài nhà thật sạch sẽ, không có lăng quăng, muỗi thì sẽ không có bệnh SXH.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết