28/06/2015 - 10:15

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2015)

Người cùng dân tộc làm nên những bước ngoặt lịch sử

 

Những ngày này cả nước đang diễn ra hội thảo khoa học và các hoạt động cấp Nhà nước do Đảng và Chính phủ tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tất cả đều khẳng định ông là nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, một lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

Nhà cách mạng kiên cường và đột phá

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của quân dân ta và công cuộc đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ VI (12-1986), đưa đất nước vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế và phá thế bị cấm vận, cô lập.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi Mười Cúc), sinh ra trong một gia đình công chức ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông giác ngộ cách mạng từ rất sớm, 15 tuổi ông bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo vì rải truyền đơn chống chế độ thực dân. Năm 1936 ông được trả tự do, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông được Đảng tin tưởng cử đến những nơi phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, tiêu biểu là gây dựng cơ sở Đảng và Ban Chấp hành lâm thời Thành ủy Hải Phòng, rồi vào Sài Gòn gầy dựng các cơ sở Đảng, sau đó lại trở ra miền Trung thành lập xứ ủy Trung kỳ… đến khi bị địch bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai, từ năm 1941 đến Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có thời gian dài gắn bó với cách mạng miền Nam, nhất là với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn chiến tranh, ông từng là người đứng đầu Đảng bộ Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định, được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam bộ, từng là Quyền Bí thư Xứ ủy Nam bộ, sau đó là Phó Bí thư và Bí thư Trung ương Cục miền Nam… Suốt giai đoạn này, ông đã lãnh đạo quân dân miền Nam vượt qua từng chặng đường khốc liệt và hào hùng nhất của hai cuộc chiến vệ quốc, nhất là trong khoảng từ cuối những năm 1950 đến năm 1975, khi Mỹ Ngụy không ngừng dìm phong trào cách mạng trong biển máu bằng luật 10/59, bằng chiến lược chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt, Việt Nam hóa chiến tranh… Dù cuộc chiến có gian khổ, khốc liệt đến đâu, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vẫn kiên trì cùng những người đồng chí của mình xây dựng lực lượng quân giải phóng và căn cứ, lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, phát triển chiến tranh du kích… từng bước đánh bại các chiến lược của địch, để tiến đến cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) và giành đại thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội Đảng lần VI.

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, năm 1976, ông trở thành Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh rồi về Trung ương đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau: Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam… Đến tháng 12- 1981, ông được Trung ương phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Là người đứng đầu hệ thống chính trị của một thành phố năng động, ông trăn trở khi nhận thấy cơ chế, chính sách ở cấp vĩ mô không thay đổi kịp với thực tiễn kinh tế- xã hội của địa phương. Vì thế, ông luôn khuyến khích, cổ vũ những người dũng cảm tìm tòi, thay đổi cách nghĩ cách làm để thử nghiệm những mô hình kinh tế mới. Có thể nói sự gắn bó và cổ vũ cho đổi mới của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại TP Hồ Chí Minh đã góp phần hình thành những bài học thực tiễn sinh động, giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện công cuộc đổi mới.

Với trọng trách Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới được bầu tại Đại hội VI của Đảng tháng 12-1986, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối mặt với những thách thức: bối cảnh quốc tế và trong nước phức tạp bởi cuộc khủng hoảng ở Liên Xô và các nước Đông Âu; đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn do duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và những chính sách duy ý chí; nạn tham ô, nhũng nhiễu của một số cán bộ lãnh đạo, cơ quan công quyền làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Và thực tế, ông đã đưa đất nước tiến lên bằng những quyết sách sáng suốt, vận dụng nhuần nhuyễn giữa lý luận của Chủ nghĩa Mac- Lê nin với tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn sinh động.

Ông đã chọn "vấn đề về phân phối, lưu thông" làm mũi đột phá tháo gỡ những rối ren của đất nước. "Phân phối lưu thông bao gồm nhiều bộ phận hợp thành như giá cả, lưu thông vật tư hàng hóa, tài chính- ngân sách, ngân hàng, tiền lương... Phân phối, lưu thông vừa là điều kiện, vừa là kết quả của sản xuất. Như vậy, giải quyết vấn đề phân phối, lưu thông có liên quan chặt chẽ với quá trình sản xuất, với tổng thể cơ chế quản lý nền kinh tế quốc dân" (Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, NXB Sự thật, Hà Nội, 1988, tập 1, tr.50). Một khâu đột phá khác là cởi trói cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp. Tiếp sau Chỉ thị 100 mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp (tức khoán 100) được ban hành vào năm 1981, năm 1988, Bộ Chính trị tiếp tục ra Nghị quyết 10 (tức khoán 10). Khoán 10 đã chính thức giải phóng sức sản xuất cho nông dân, giúp nước ta tự chủ về lương thực, thậm chí năm 1989 còn có gạo để xuất khẩu.

Một công tác quan trọng khác được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chú trọng là điều chỉnh chính sách đối ngoại, phá thế bị bao vây, cô lập. Theo sách Ngoại giao Việt Nam 1945- 2000 (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.505-506), Bộ Chính trị Trung ương Đảng, đã ra Nghị quyết 13 ngày 20-5-1988 xác định phải giữ vững môi trường quốc tế hòa bình và phát triển kinh tế, với ba ưu tiên hàng đầu về đối ngoại được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lựa chọn là: rút quân khỏi Campuchia, bình thường hóa quan hệ Việt- Trung, cải thiện đi tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Những ưu tiên đó được ông cụ thể hóa bằng những quyết định sáng suốt, những chuyến công du… giúp Việt Nam thể hiện rõ thiện ý làm bạn với thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Nhìn ngay nói thẳng

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ghi dấu ấn trong lòng những đồng chí, cộng sự với phong cách dân chủ, sâu người sát việc, đặc biệt là gần gũi, tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân. Ông đã dành nhiều thời gian đi thăm các địa phương và cơ sở trong suốt nhiệm kỳ Tổng Bí thư. Những chuyến đi được tổ chức lặng lẽ để ông có thể đến được gần dân nhất, như chuyến đi thăm xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú ngày 22-5-1988. Chuyến đó, ông đi chung xe với đoàn cán bộ, đến tận xã, gặp tận dân hỏi thăm tình hình sản xuất, đời sống và dùng bữa trưa bằng xôi nếp mang theo (Báo Nhân dân cuối tuần, số 21 (486), ngày 24-5-1998). Nhờ đi sâu đi sát cơ sở, ông đã giải quyết nhiều vụ việc nhức nhối. Được kể lại nhiều nhất là việc cố Tổng Bí thư đã chỉ đạo giải quyết vụ án Thiếu úy công an Lữ Anh Dồi của tỉnh Minh Hải bị sát hại năm 1979. Hồ sơ của Ty Công an Minh Hải ghi nạn nhân bị công an bắn chết vì âm mưu cướp tàu biển để tổ chức vượt biên. Cuối năm 1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm Minh Hải và được nghe vợ của nạn nhân cùng nhân dân nêu những khuất tất trong vụ án. Ông đã chỉ đạo lập Ban chuyên án làm rõ sự thật: kẻ chủ mưu giết người và vu khống Lữ Anh Dồi là trung tá Trần Ngọc, nguyên Phó Ty Công an Minh Hải (Báo Điện Tử Đảng Cộng sản Việt Nam, "Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới", cập nhật ngày 20-12-2012, trang 10).

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người khởi xướng và viết chuyên mục "Những việc cần làm ngay" trên Báo Nhân Dân từ ngày 25-5-1987 đến ngày 28-9-1990. Với bút danh N.V.L, những bài báo ngắn gọn của ông đã đi thẳng vào những vấn đề nhức nhối của đất nước và dùng sức mạnh của báo chí để vận động toàn Đảng, toàn dân thay đổi cách nghĩ, cách nhìn- từ chỉ tô hồng một chiều sang mạnh dạn chỉ ra sự thật, hạn chế, yếu kém để chỉnh đốn nạn quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực trong xã hội. Bài mở đầu, ông viết về những nguyên nhân làm cho giá cả tăng vọt, khiến đời sống nhân dân khó khăn và yêu cầu các ngành, các cấp, các cơ quan báo chí phải chung tay chỉ ra những tổ chức, cá nhân bất chính gây ra tình trạng trên. Bài thứ hai, tác giả N.V.L nói về "chống lại sự im lặng đáng sợ" xoáy vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhiều đơn thư của người dân gởi đi không có hồi âm, phê phán sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, phớt lờ ý kiến nhân dân của các cơ quan công quyền… Cứ thế, cố Tổng Bí thư đã tạo phong trào "Những việc cần làm ngay" để tự chỉnh đốn ở từng cơ sở, từng cá nhân, giúp nhân dân thêm tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới.

***

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ra đi vào ngày 27-4-1998, nhưng cuộc đời, sự nghiệp của ông mãi in dấu trong lịch sử Việt Nam như một nhà lãnh đạo tài đức đã mở đường cho đất nước đổi mới.

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết