05/11/2020 - 08:14

Ngoại giao COVID-19 của Trung Quốc tại châu Phi 

Vài tháng sau khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận ở thành phố Vũ Hán, nhiều người suy đoán quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi sẽ trở nên xấu đi. Song, đại dịch được chứng minh là cơ hội để Bắc Kinh củng cố quan hệ với các quốc gia lục địa đen.

Hàng viện trợ của Trung Quốc được chuyển đến châu Phi. Ảnh: DW

Theo đó, Trung Quốc đã tấn công về mặt ngoại giao lẫn kinh tế trên khắp châu lục, tìm cách chứng tỏ Bắc Kinh là đối tác đáng tin cậy trong thời kỳ khủng hoảng và đập tan những chỉ trích về cách đối phó với dịch bệnh của nước này.

►Từ hỗ trợ y tế…

Vào cuối tháng 3, Trung Quốc đề nghị hỗ trợ các nước châu Phi ứng phó với COVID-19. Ngoài sự trợ giúp của Chính phủ Trung Quốc, các công ty Trung Quốc và cộng đồng người Hoa ở nước ngoài cũng chung tay giúp đỡ. Trong đó, đáng chú ý là “gã khổng lồ” viễn thông Huawei đã tặng Nam Phi một lượng lớn khẩu trang, bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 cũng như các thiết bị y tế khác. Trong đoạn video đăng tải trên Twitter, Ðại sứ Trung Quốc tại Nam Phi Lâm Tùng Thiên đã gửi lời cảm ơn nước này vì luôn bên cạnh Trung Quốc trong giai đoạn đầu diễn ra dịch bệnh, qua đó cho biết sự hỗ trợ đó thể hiện của “tình anh em” giữa 2 nước.

Ðại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe cũng công bố gói hỗ trợ tương tự dành cho nước này. Cụ thể, cơ quan này bắt tay với cộng đồng người Hoa gây quỹ nâng cấp Bệnh viện Wilkins, vốn được chỉ định là nơi điều trị chính các ca nhiễm COVID-19 tại Zimbabwe. Các đại sứ quán Trung Quốc trên khắp châu Phi cũng có động thái tương tự.

Ðặc biệt, trong thời gian đầu nổ ra đại dịch, Trung Quốc cũng cử đội ngũ nhân viên y tế đến hỗ trợ các quốc gia châu Phi, gồm Algeria, Nigeria. Sau đó, Bắc Kinh tiếp tục gửi bác sĩ đến hỗ trợ  Zimbabwe cùng 11 quốc gia châu Phi khác ứng phó với đại dịch.

Cùng với hỗ trợ về mặt y tế, Trung Quốc còn cam kết cung ứng vaccine phòng COVID-19 cho các nước châu Phi, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực lo ngại rằng chủ nghĩa dân tộc vaccine sẽ ngăn cản họ tiếp cận nguồn vaccine dồi dào của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc thử nghiệm 4 loại vaccine giai đoạn 3 và Bắc Kinh khẳng định khi một trong số vaccine này được sản xuất hàng loạt, các quốc gia châu Phi sẽ được nhận, đồng thời tuyên bố vaccine do Trung Quốc sản xuất sẽ được coi như là “hàng hóa công cộng toàn cầu”.

Gần đây, 50 nhà ngoại giao châu Phi tại Trung Quốc đã có chuyến thăm nhà máy sản xuất vaccine thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm). Tại đây, Chủ tịch Sinopharm Lưu Kính Trinh nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sau khi vaccine phòng COVID-19 được phát triển và đưa vào sử dụng thì nó sẽ mang đến nhiều lợi ích cho các nước châu Phi. Hiện vaccine của Sinopharm đang thử nghiệm giai đoạn  thứ 3 ở Maroc, quốc gia  tuyên bố sẽ giúp Bắc Kinh sản xuất vaccine một khi nó được phê duyệt.

…đến cam kết xóa nợ

Chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu là việc giảm nợ cho các quốc gia châu Phi, giữa lúc nhiều quốc gia lục địa đen lần đầu rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế sau nhiều thập kỷ. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi giữa tháng 4, trong nỗ lực giúp giảm bớt căng thẳng về tài chính đối với các quốc gia có thu nhập thấp hơn, các thành viên G20, gồm Trung Quốc, đã đồng ý tạm ngưng thu tiền gốc và lãi các khoản nợ của các quốc gia châu Phi cho đến cuối năm 2020.

Ðáng chú ý, Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 5 còn hứa hỗ trợ 2 tỉ USD cho các nước đang phát triển phục hồi sau đại dịch. Ðến cuối tháng 5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng sẽ thông qua cả kênh đa phương và song phương để giải quyết vấn đề xóa nợ cho các nước châu Phi. Sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi về đoàn kết chống đại dịch COVID-19 diễn ra giữa tháng 6, ông Tập cam kết Trung Quốc xóa tất cả các khoản cho vay không lãi suất đối với các nước châu Phi. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ mang tính biểu tượng, bởi các khoản cho vay như vậy chỉ chiếm khoảng 5% khoản nợ mà Trung Quốc cho các nước châu Phi vay.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat)

Chia sẻ bài viết