Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền đã đưa bài thuốc Ngọc bình phong tán, trong đó có xuyên tâm liên, để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Giang cho kết quả tương đối tốt.
Xuyên tâm liên trước đây rất phổ biến, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh được coi như thần dược chữa bách bệnh.(Nguồn: suckhoedoisong.vn)
Chiều 24/7, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết trong đợt dịch tại Bắc Giang vừa qua, Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền đã đưa bài thuốc Ngọc bình phong tán, trong đó có xuyên tâm liên để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2, cho kết quả tương đối tốt. Vì vậy Cục đề xuất tiếp tục sử dụng bài thuốc này cho các tỉnh phía Nam để tiếp tục đánh giá.
Hiện Cục đang phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) làm đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm xuyên tâm liên hỗ trợ điều trị trên bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay cả nguyên liệu và thuốc thành phẩm đều khan hiếm.
Hiện tại với nguồn nguyên liệu còn dự trữ trong nước thì có thể sản xuất được 4 triệu viên xuyên tâm liên, Cục trưởng Quản lý Y Dược cổ truyền cho hay.
Trước đây có vài doanh nghiệp được cấp phép song do nhu cầu ít dần nên đều đã dừng sản xuất. Hiện chỉ còn 1 doanh nghiệp tại Thanh Hóa đang sản xuất xuyên tâm liên dạng viên nhưng số lượng không nhiều.
“Chúng tôi đang động viên doanh nghiệp sản xuất, trước mắt sẽ cung ứng ra thị trường ở mức độ hỗ trợ cho điều trị COVID-19. Chúng tôi cũng vận động doanh nghiệp này ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh 1 triệu viên xuyên tâm liên và dự kiến cuối tháng 7 này sẽ chuyển hàng vào thành phố,” Cục trưởng Nguyễn Thế Thịnh thông tin.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc xuyên tâm liên để sử dụng, đặc biệt với mục đích phòng ngừa COVID-19; chỉ sử dụng thuốc xuyên tâm liên theo chỉ dẫn của các thầy thuốc.
Xuyên tâm liên trước đây rất phổ biến, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh được coi như “thần dược” chữa bách bệnh. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, khi kháng sinh ra đời, vị thuốc này dần bị quên lãng.
Tại Việt Nam, không còn vùng nguyên liệu lớn trồng xuyên tâm liên, hiện chỉ còn trồng nhỏ lẻ, thu hoạch vào tháng 9-10 hằng năm. Hai vùng nguyên liệu nuôi trồng, thu hái cây xuyên tâm liên nhiều nhất là Thanh Hóa và Nghệ An.
“Hiện đang có thêm 2-3 doanh nghiệp làm thủ tục, hồ sơ xin sản xuất xuyên tâm liên dạng viên. Bộ Y tế trên tinh thần khuyến khích và hỗ trợ hết mức, sẽ nhanh chóng xem xét hồ sơ và thẩm định dây chuyền sản xuất,” ông Thịnh cho biết.
Liên quan đến thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19, tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch toàn quốc do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho hay xuyên tâm liên được coi như một loại kháng sinh thực vật và được sử dụng để điều trị các chứng bệnh viêm nhiễm, cảm cúm thông thường..., là phương thuốc rất kinh điển trong những năm đất nước còn nghèo khó, từng dùng để chữa bách bệnh.
Vừa qua, một số nước đã đưa vào điều trị và cũng thấy hiệu quả nên chúng ta có thể đưa vào điều trị trên những bệnh nhân ít triệu chứng, thể nhẹ kết hợp cùng nâng cao thể trạng, dinh dưỡng. Ngoài ra, các trường hợp F1 cách ly tại nhà có dấu hiệu mệt mỏi cũng có thể xem xét sử dụng vị thuốc này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết.
Đánh giá về loại thuốc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết thời gian qua Bộ Y tế đã nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng và chuyên gia về thuốc đông y xuyên tâm liên của Trung Quốc có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị COVID-19.
Xuyên tâm liên đã được một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan sử dụng trong thời gian qua. Việt Nam hiện cũng ứng dụng loại thuốc này vào việc điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép, có 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong việc điều trị COVID-19 như: Remdesivir, Favipiravir... Đây cũng là những loại thuốc đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Y Dược cổ truyền kết hợp Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng trên một số lượng nhất định, sau đó sẽ báo cáo Hội đồng chuyên môn để tiếp tục đánh giá, nếu hiệu quả sẽ sử dụng ở phạm vi rộng.
Theo Thủy Bình (TTXVN/Vietnam+)