29/09/2009 - 08:48

Nghịch lý Nhà văn hóa xã phường

Cách đây 4 năm, Quyết định 271/2005/QĐ-TTg của Chính phủ và sau đó là Chương trình “Xây dựng và phát triển văn hóa thông tin từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” của TP Cần Thơ đặt ra mỗi xã, phường phải xây dựng một Nhà Văn hóa (NVH) đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, hầu hết các NVH xã phường được xây dựng đều không đáp ứng các tiêu chí cơ bản. Điều đáng nói hơn cả là dường như NVH đang trở thành “gánh nặng” với nhiều địa phương...

Nhà Văn hóa - “Công trình đối phó”

NVH xã đầu tiên của tỉnh Cần Thơ (cũ) ra đời cách đây hơn 20 năm tại huyện Long Mỹ (nay đã thuộc tỉnh Hậu Giang). Trong 5 năm đầu, NVH nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều ngành nhiều cấp và thực sự là điểm vui chơi - học tập cộng đồng chính ở mỗi địa phương, tạo nên sinh khí mới cho phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH). Những mô hình NVH tiêu biểu ở Vị Thanh, Vị Thủy, Long Mỹ... giúp Cần Thơ trở thành một trong những địa phương điển hình của cả nước về chăm lo, phát triển đời sống văn hóa cơ sở - đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, theo thời gian, thiết chế này dần không còn phát huy tác dụng.

 Nhà Văn hóa phường An Hòa đang được xây dựng sát cạnh trụ sở UBND phường.

Qua xem xét đánh giá hoạt động của 37 NVH xã, phường trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay, Văn phòng ban Chỉ đạo TDĐKXDĐSVH đã nêu một con số thống kê khá buồn: hơn 80% NVH được xây dựng trong khuôn viên UBND xã phường hoặc trưng dụng nhà công vụ; 40% NVH xã, phường không hoạt động, hoặc hoạt động không thường xuyên; 60% còn lại cũng chỉ hoạt động nhằm đối phó để không bị “trừ điểm” mỗi dịp Ban Chỉ đạo TDĐKXDĐSVH thành phố kiểm tra, phân loại xã phường văn hóa.

Có thể thấy rằng hầu hết NVH không được xây dựng theo nhu cầu thực tế mà theo “chỉ tiêu” - bởi thiết chế này là điều kiện bắt buộc để công nhận xã, phường đạt chuẩn văn hóa. 34/37 NVH hiện nay là của các xã, phường văn hóa. Số còn lại cũng là của các địa phương đang phấn đấu đạt danh hiệu này trong năm nay hoặc 2010. Đáng nói là tình trạng trên vẫn tiếp diễn dù Chính phủ và thành phố Cần Thơ có chủ trương phải xây dựng NVH đạt chuẩn quốc gia: diện tích 1.000m2 trở lên, đầy đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động thường xuyên.

Những bất cập

Mới đây, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, vừa khởi công xây dựng NVH phường với kinh phí tròn trèm một tỉ đồng. NVH cũng được xây dựng trong khuôn viên UBND phường nhằm tận dụng sân chung và cũng để tiện cho các cán bộ NVH - vốn thường kiêm nhiệm nhiều công tác khác “chạy tới chạy lui” ! Đó không là trường hợp cá biệt. Rất nhiều NVH tại TP Cần Thơ được xây dựng sau thời điểm đã có những quy định chuẩn dành cho thiết chế này như An Cư, An Hội, An Phú (Ninh Kiều), Long Hòa (Bình Thủy), Lê Bình, Tân Phú (Cái Răng)... đều không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản theo quy định. Tình trạng phổ biến nhất là NVH nằm trong khuôn viên UBND hoặc tận dụng những ngôi nhà công vụ còn bỏ trống với diện tích chừng 50-100m2.

Phải thừa nhận rằng khó khăn lớn nhất trong xây dựng NVH xã, phường - nhất là ở nội ô - là không có quỹ đất xây dựng. Nhiều xã, phường như Long Hòa, An Hội, An Cư... khi đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí xã, phường văn hóa về hệ thống chính trị, kinh tế, an sinh xã hội đã cố gắng tìm kiếm một mảnh đất đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của một NVH đạt chuẩn suốt thời gian dài. Cuối cùng, các địa phương này đành “xây dựng tạm” NVH với lời “hứa”: “chờ” có đất thì sẽ xây dựng đúng chuẩn. Ví dụ như phường Văn hóa An Bình, quận Ninh Kiều, đã hứa từ khi được công nhận cách đây 12 năm nhưng đến nay vẫn chưa có NVH (!).

Qua điều tra thực tế cho thấy hầu hết NVH xã, phường chỉ bao gồm một vài bộ phận đơn giản: phòng đọc sách vài trăm tựa, phòng truyền thống có Quốc kỳ và Tượng Bác, bảng vàng các Anh hùng Liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, một vài bộ bàn ghế để tiếp khách. Số NVH được xây dựng biệt lập và có sân bãi riêng chỉ đếm trên đầu ngón tay như NVH Định Môn (Cờ Đỏ), Giai Xuân (Phong Điền), Thường Thạnh (Cái Răng)...

Vì là công trình “đối phó chỉ tiêu” nên NVH xã, phường luôn trong tình trạng thiếu sức sống. Nơi đây chỉ như điểm cắt dán băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền của các cán bộ văn hóa thông tin xã, phường, điểm truyền thanh và tận dụng làm nhiều việc. Có nơi còn bị xem như nhà kho để chứa bàn ghế hư, đồ đạc linh tinh của các cơ quan. Những vị khách hiếm hoi và thường xuyên lui tới những nơi này là các em thiếu nhi sau giờ tan học - khoảng 11 giờ trưa và 5 giờ chiều - để mượn truyện tranh, sách báo. Những hoạt động văn hóa văn nghệ thường chỉ diễn ra trong những dịp lễ, Tết, kỷ niệm... vì nếu thường xuyên tổ chức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của HĐND, UBND - nơi các NVH phải “ở đậu”. Ngay cả những NVH được xây dựng biệt lập như Định Môn cũng gần như không hoạt động trong suốt năm 2008 và nửa đầu năm 2009.

Một vấn đề cũng khá nan giải đối với NVH: hầu hết đều không có cán bộ chuyên trách, thường do cán bộ Văn hóa Xã hội phường, xã kiêm nhiệm. Những cán bộ này đảm đương rất nhiều nhiệm vụ nên coi công tác NVH là việc phụ. NVH được xây dựng tốn không ít tiền nhưng không hề có kinh phí hoạt động, mà phải “xài ké” kinh phí sự nghiệp văn hóa thể thao chung của cơ sở - có nghĩa là NVH chỉ cố gắng hoạt động mỗi khi địa phương tổ chức các sự kiện nhân các ngày lễ, Tết.

Cần có Nhà Văn hóa xã phường hay không?

Nhiều cán bộ cơ sở, nhất là các địa phương đang tâm tư: trong điều kiện thực tế hiện nay, không nhất thiết mỗi xã phường phải có một NVH. Lãnh đạo một phường (xin không nêu tên) giải thích: “Người dân trong phường rất thiếu sân chơi và luôn khao khát có nhiều tụ điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hấp dẫn. Nhưng sau nhiều khó khăn chúng tôi mới tìm được địa điểm là một ngôi nhà có diện tích trên dưới 100m2 để cải tạo thành NVH. Phường nội ô không thể có quỹ đất rộng và đủ kinh phí để xây dựng một NVH đúng nghĩa, cán bộ địa phương không đủ nghiệp vụ tổ chức một NVH đáp ứng đúng chuẩn. Chúng tôi cho rằng cấp trên, đặc biệt là thành phố nên có một quy hoạch chung về hệ thống NVH. Ở các quận nội ô như Ninh Kiều, Bình Thủy thì nên có các NVH liên phường do quận trực tiếp đầu tư, quản lý. Ở các quận huyện ngoại ô có thể mật độ NVH dày hơn do địa bàn rộng, nhưng cũng nên do cấp quận huyện trực tiếp quản lý”. Thiết nghĩ đó cũng là mong muốn chung của cán bộ cơ sở ngành văn hóa các cấp.

Ông Thái Ngọc Anh, chuyên viên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Cần phải nhìn lại hiệu quả hoạt động NVH xã, phường để có một định hướng đúng đắn cho sự phát triển của thiết chế này, tránh chạy theo hình thức, lãng phí. Thay vì “rải” kinh phí đầu tư manh mún cho các NVH xã, phường để rồi qua dịp kiểm tra, lễ, Tết lại bỏ không hãy tập trung xây dựng các NVH có quy mô liên phường - xã, hoặc mang những đặc trưng hoạt động của các Hội, Đoàn, quận huyện”.

Theo chương trình “Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa từ nay đến 2010, tầm nhìn 2020” của TP Cần Thơ, trong tổng vốn dự kiến đầu tư hơn 6.500 tỉ đồng có dành phần không nhỏ dành cho xây dựng các thiết chế và sản phẩm văn hóa gần liền với đời sống quần chúng nhân dân và phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn này vẫn chỉ nằm trên giấy. Việc xây dựng các công trình văn hóa đều tập trung ở các công trình quy mô vùng ĐBSCL hoặc các trọng điểm đã được lập kế hoạch từ rất lâu như Trung tâm Văn hóa Tây Đô, Khu Di tích Chiến thắng Ông Hào, Khu Tưởng niệm Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa, Khu Di tích Căn cứ Vườn Mận...

Chủ trương xây dựng NVH đạt chuẩn quốc gia ở 100% xã phường được đề ra với mục đích tốt đẹp là tạo sự công bằng trong hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị, thiết thực chăm lo đời sống tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, qua bốn năm thực hiện chủ trương xây dựng NVH ở TP Cần Thơ, dư luận cho rằng mục tiêu nói trên là bất khả thi - bởi lẽ thời hạn hoàn thành chỉ tiêu là năm 2010 đã cận kề.

Qua quá trình nỗ lực xây dựng cũng như thực tiễn hoạt động của các NVH xã, phường cho thấy chủ trương xây dựng NVH đạt chuẩn quốc gia ở 100% xã, phường cũng đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, bất cập. Nhiều trường hợp đã đi ngược lại mục đích tốt đẹp ban đầu, rơi vào sự phô trương, hình thức, gây lãng phí lớn. Dư luận cho rằng đã đến lúc cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng hiệu quả thực tế để điều chỉnh lại chủ trương cho phù hợp với yêu cầu do thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Bài, ảnh: XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết