Từ ngàn xưa, ông bà ta đã nhắc nhở cháu con:
“Thờ cha mẹ ở hết lòng
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường”
Hiếu đạo là truyền thống lâu đời và tốt đẹp của người Việt. Hiếu thảo chính là một “tiêu chí” thước đo phẩm giá của con người. Con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ là điều vô cùng quý báu, đáng trân trọng. Khi cha mẹ, ông bà đã qua đời thì việc thờ cúng, giỗ chạp cũng thể hiện tấm lòng của những “con thảo, cháu hiền”.
Như một vườn hoa đầy hương sắc, mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam lại có cách thờ phượng, giỗ chạp đối với ông bà tổ tiên khác nhau. Hơn 3 thế kỷ vùng đất Nam bộ được khai hoang mở cõi và phát triển, một trong những biểu hiện sinh động trong đạo Hiếu là tục thờ cúng tổ tiên của người Nam bộ.
 |
Bàn thờ gia tiên Nam bộ. |
Ở mỗi gia đình, bàn thờ gia tiên luôn là nơi thiêng liêng, tôn kính nhất. Bàn thờ được đặt ở chánh diện của ngôi nhà, ở gian nhà lớn hay nhà trước, hướng ra cửa cái. Người xưa quan niệm, khách bước vào nhà sẽ đánh giá được phần nào tâm tính của gia chủ qua bàn thờ gia tiên. Việc bài trí các vật dụng trên bàn thờ cũng được sắp đặt theo một khuôn mẫu nhất định. Ngày xưa, trên mỗi bàn thờ của người dân Nam bộ thường có đầy đủ “ngũ sự” (phải chăng tuân theo quan niệm Ngũ hành?) gồm: Lư hương, hai chân đèn, lục bình cắm hoa và một ống bằng gỗ hoặc đồng dùng đựng nhang. Lư dùng đốt (xông) trầm hương mà bà con quen gọi là lư hương, phần lớn được đúc bằng đồng, số ít được chạm khắc bằng đá hay gỗ quý, được đặt ngay trung tâm của bàn thờ. Lư hương được đặt vững chãi, không xéo, không nghiêng, chênh lệch... bởi đó là điều tối kỵ. Hình dáng của lư hương cũng rất đa dạng, phổ biến là lư đồng mắt cua, lư mắt tre, trong Nam lại có loại lư mà bà con quen gọi là lư hương trái bần (do giống hình dáng của trái bần). Tuy nhiên, do trầm hương là thứ đắt tiền, gia đình khá giả mới có khả năng mua còn phần đông những gia đình xưa thường chỉ trưng bày lư hương cho đẹp chứ rất hiếm xông hương. Bà con thay vào đó là hai cái vùa hương để cắm nhang. Hai bên lư hương là hai chân đèn mà theo nhà văn Sơn Nam là tượng trưng cho âm dương cân xứng, giao hòa. Người xưa rất chú trọng đến khoảng cách giữa hai chân đèn và lư hương phải thật đều nhau. Một bên phía trong chân đèn là cái bình dùng cắm hoa tươi. Tuy nhiên, do một số vùng quê rất khó kiếm được hoa tươi nên bà con thường trưng vài nhánh trường sinh (một loài cây thủy sinh) vừa tiện lợi mà lại ý nghĩa. Một bên bàn thờ là một ống cây, thường là ống tre dùng để đựng nhang. Có một vật ngoài “ngũ sự” nhưng lại rất quan trọng trên mỗi bàn thờ đó chính là cây đèn dầu hột vịt (ống khói chắn gió có hình quả trứng vịt), vặn lửa nhỏ “liu riu” (còn gọi là chong đèn), vừa để tiện đốt nhang và cũng để giữ lửa. Trên bàn thờ thường có dĩa trái cây, người Nam bộ quan niệm dĩa trái cây này không cần đắt tiền, hoa mỹ mà chỉ là cây nhà lá vườn, “sản vật” của gia đình dâng lên ông bà. Bàn thờ luôn được trang hoàng, lau chùi dọn dẹp thường xuyên.
Điều khác biệt lớn nhất giữa bàn thờ ngày xưa và hiện nay của người Nam bộ là người xưa thường thờ ông bà bằng “Thần chủ” (chữ dùng của nhà văn Sơn Nam) mà nhiều người quen gọi là “Bài vị”. Đó là một tấm gỗ quý được chạm trổ tỉ mỉ và khắc các “dữ kiện”: tên tuổi, năm sinh, năm mất, quê quán, chức vị, phẩm trật xã hội... để con cháu nhớ đến. Ngày nay, “thần chủ” được thay bằng di ảnh của người quá cố, phần dưới thường ghi đơn giản tên và năm sinh, năm mất. Phía trong cùng bàn thờ, bà con thường treo tranh thờ là một bức tranh khổ lớn, thường thấy nhất là tranh cảnh sơn thủy hay hình ảnh một gốc tre già và những mụt măng lô nhô phía dưới để làm nền cho những chữ Hán khổ lớn, thường là các chữ: “Từ đường”, “Cửu huyền thất tổ”..., trên cùng thường thấy nhất là ba chữ “Đức Lưu Phương” (Hương thơm công đức của tổ tiên còn ngào ngạt đến thế hệ cháu con). Hai bên tranh thờ còn có những cặp đối, liễn, phổ biến nhất là:
“Tổ tông công đức thiên niên thạnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”
(Đại khái là: Công đức của ông bà lớn lao, bền vững làm cho con cháu được thơm hưởng nhờ).
Bàn thờ trong mỗi nhà vừa thể hiện sự tôn nghiêm, kính cẩn lại thể hiện “đẳng cấp” của gia chủ. Người giàu có thì bàn thờ được đóng bằng gỗ quý, cẩn ốc xà cừ hình long, lân, qui, phụng hoặc sơn son thếp vàng. Người trung lưu và người không được khá giả thì bàn thờ đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu vững chãi, vẻ thanh thoát và tôn nghiêm. Theo một số cụ cao niên ở Nam bộ thì ngày xưa, con cháu thờ ông bà tổ tiên tuyệt đối phải trên bàn thờ chứ không được làm kệ gỗ đơn giản, chông chênh.
Người dân Bắc bộ thường có nhà thờ họ nơi thờ ông bà tổ tiên của dòng họ mình. Trong Nam ít có nhà thờ họ mà lại có nhà Từ đường nơi giữ hương hỏa của dòng họ. Từ đường thường là ngôi nhà mà ông bà, cha mẹ thuở sanh tiền ở với người con trai, thường là con trai út. Theo truyền thống của người Nam bộ, con trai út là người giữ hương hỏa, lo việc thờ cúng tổ tiên. Giỗ chạp của ông bà thường được tổ chức ở Từ đường và do người con trai út đứng ra lo toan mọi sự, dĩ nhiên có sự tiếp giúp của anh chị em và bà con dòng họ.
Lúc xưa, nhiều người, nhất là trẻ con rất háo hức chờ đến ngày giỗ (còn gọi là ngày cúng cơm, kỵ cơm) ông bà. Ngoài dịp Tết, giỗ là dịp để anh em, bà con tụ họp về đông đủ nhất. Buổi chiều trước ngày đám giỗ, anh chị em cùng nhau nấu mâm cơm đơn giản, thường là nấu những món mà thuở sanh tiền, cha (mẹ) thích ăn nhất để cúng, gọi là cúng “tiên thường”. Buổi cúng này không có người ngoài mà chỉ có anh chị em, con cháu cật ruột. Cúng xong, anh chị em, con cháu cùng nhau ăn rồi ngồi lại bên nhau ôn lại những kỷ niệm, công đức của người quá cố như để tri ân và lấy đó mà khuyên dạy con cháu. Họ hỏi thăm nhau về sức khỏe, công việc làm ăn của nhau trong sợi dây tình thân “anh em một nhà”. Ngày chánh giỗ, phần lễ đốt nhang tưởng nhớ ông bà thường là do người giữ hương hỏa chủ sự. Người này ăn mặc tươm tất (thời xưa thường là phải áo dài, khăn đóng, guốc mộc) lấy nhang đốt từ ngọn lửa của cây đèn dầu hột vịt lửa hương hỏa (không sử dụng hột quẹt hay que diêm và tối kỵ đốt bằng ngọn lửa từ bếp lò) rồi phân phát cho mọi người. Đám giỗ thường đãi ăn đơn giản và ít khách, chỉ mời bà con và những người thân tín với gia đình. Tuy vậy, đám gọi là “nhỏ nhỏ” của một gia đình ở Nam bộ xưa thường cũng ngót hơn chục mâm bởi bà con đông. Đám giỗ của người Nam bộ thể hiện rất đậm nét tinh thần “cây cội nước nguồn” và sự đoàn kết trong bà con, dòng họ.
Tuy cùng trong dòng chảy đạo Hiếu của người Việt song việc thờ cúng ông bà của người Nam bộ lại có nét dị biệt, mang đậm dấu ấn văn hóa của sông nước miệt vườn. Thờ cúng, hiếu đạo với ông bà đã trở thành một “đạo”:
“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”
Như đã nói, việc thờ cúng thường là con trai út, cháu nội... chứ ít khi do con gái, cháu ngoại đảm trách. Bởi thế mà ông bà ta quan niệm:
“Cá sặt muốn bắt dùng lờ
Mấy đời cháu ngoại mà thờ giỗ ông”
Hay:
“Cồng cộc bắt cá dưới sông
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ”
Và:
“Bìm bịp kêu nước lớn bên sông
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ”
Do truyền thống của người dân Nam bộ là con trai út lãnh phần phụng dưỡng, thờ cúng ông bà nên khi có việc làm ăn xa hay chuyện bất trắc phải xa quê, người em luôn gửi gắm lại cho anh của mình. Lời “gửi gắm” này nghe thật chí nghĩa, chí tình và thấm đượm tinh thần nhân văn làm sao:
“Cha mẹ già để lại anh thờ
Nhang tắt anh đốt, đèn mờ anh khêu”
Có một số người con mà khi cha mẹ sống không tròn đạo làm con, hắt hủi, bất hiếu nhưng khi đấng sanh thành đã không còn thì khóc lóc, kể lể, cúng quảy đầy mâm. Tuy thờ cúng tổ tiên mà một việc làm đạo lý song không gì bằng con cái cung phụng cho cha mẹ lúc họ còn sanh tiền, đừng để cha mẹ mất rồi thì lòng ăn năn chẳng kịp. Ông bà ta phê phán:
“Sống thì chẳng cho ăn nào
Chết thì cúng giỗ, mâm cao cỗ đầy”
Hay:
“Sống thì cơm chẳng cho ăn
Chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi”
*
* *
Ngày nay, việc thờ cúng tổ tiên luôn được bà con giữ gìn, phát huy. Một số thủ tục, hình thức có phần “rườm rà”, không còn phù hợp đã được đơn giản hóa nhưng tấm lòng hướng về ông bà, kính nhớ tổ tiên thì vẫn được giữ vẹn. Đó không đơn giản là sự tín ngưỡng, một đạo Hiếu mà còn là một phong tục mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện của văn hóa dân tộc, góp thêm nét đẹp cho giá trị đạo đức truyền thống, lưu giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Nhưng hơn hết, thờ cúng tổ tiên nhắc nhở cháu con đời sau giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống thủy chung son sắt, biết bà con dòng họ.
Cha mẹ còn sống thì hết lòng săn sóc, phụng dưỡng. Cha mẹ mất rồi thì nhang khói sớm hôm. Âu đấy cũng là “chữ hiếu dạy trong luân thường” vậy!
Bài, ảnh: Đặng Duy Khôi
Tài liệu tham khảo:
“Thuần phong mỹ tục Việt Nam” - Sơn Nam, NXB Đồng Tháp, 1994.