12/04/2014 - 21:19

Nghe lầm

Giới chức Mỹ cảnh báo Nga chớ dùng năng lượng làm "công cụ ép buộc" Ukraina và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời dọa sẽ cùng các đồng minh cựu lục địa gia tăng trừng phạt cứng rắn hơn chống Mát-xcơ-va nhằm đáp trả lá thư thách thức của Tổng thống Vladimir Putin gởi cho 18 lãnh đạo quốc gia khách hàng EU mà các hãng tin phương Tây cho rằng Nga răn đe cắt đứt nguồn cung khí đốt.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã có dịp mỉa mai Nhà Trắng khi nói rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama quá hấp tấp, chẳng hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện ra sao mà vội đưa ra những phản ứng thật buồn cười. Trong cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia Nga, ông Putin bình luận: "Thật kỳ lạ là họ (giới chức Nhà Trắng) đọc thư của người khác không được tốt. Nhưng tôi chẳng có viết cho họ đâu. Tôi chỉ viết cho các khách hàng khí đốt của chúng ta tại châu Âu mà sao họ lại can thiệp chuyện kinh doanh của các nước khác như vậy".

Tổng thống Putin khẳng định Nga chắc chắn tôn trọng đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với khách hàng, nhưng nguồn cung khí đốt qua châu Âu có bị gián đoạn hay không lại phụ thuộc vào vấn đề an ninh trung chuyển qua Ukraina. Hai lần xảy ra sự kiện Nga ngưng bán khí đốt cho Ukraina vì chưa thanh toán nợ đã chứng thực rằng chính Kiev tìm cách lấy cắp khí đốt hoặc khóa van đường ống khí đốt đi qua châu Âu. Lần này Nga không muốn chuyện cũ sẽ tái diễn và cần thảo luận biện pháp đảm bảo an ninh trung chuyển với châu Âu.

Thế nên, trái với thái độ thiếu kiềm chế vì "nghe lầm" từ nhiều nguồn thông tin suy diễn không được kiểm chứng của đồng minh Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các nhà lãnh đạo châu Âu lại tỏ ra nhún nhường với Nga. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết ông và các đối tác châu Âu đang quan tâm đến một giải pháp nhanh chóng nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột khí đốt và mong muốn Ukraina có khả năng trả nợ. "Chúng tôi không muốn làm khó cho nước Nga" trong vấn đề xử lý nợ khí đốt của Ukraina - ông Schaeuble nhấn mạnh. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố: "EU muốn là bạn hàng tốt và chúng tôi cũng muốn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga". Bà Merkel cho biết các ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp vào ngày 14-4 để đưa ra câu trả lời chung cho Tổng thống Putin.

Sự nhìn nhận của chính phủ Đức hoàn toàn dễ hiểu và rất thực tế. Bởi Nga đáp ứng 1/3 nhu cầu năng lượng của EU, trong đó Đức là khách hàng lớn nhất và các nước Litva, Estonia, Phần Lan, Latvia, Bulgarie, Czech nhập khẩu 100% khí đốt thiên nhiên của Nga.

KIẾN HÒA
(Theo AP, Reuters, RT)

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters, RT)

Chia sẻ bài viết