29/05/2024 - 23:08

Ngày càng nhiều nước công nhận Nhà nước Palestine 

Tính cả Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy, đến nay đã có 146 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) công nhận tư cách Nhà nước của Palestine. Trong khi đó, hiện có 165 nước thành viên LHQ công nhận Nhà nước Do Thái.

Các Ngoại trưởng Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy tại cuộc họp báo về việc công nhận Nhà nước Palestine. Ảnh: EPA

Ngày 28-5, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy đã lần lượt thông báo chính thức công nhận Nhà nước Palestine.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định việc công nhận là phương thức duy nhất để thực hiện giải pháp tiến tới tương lai hòa bình cho Trung Ðông: một Nhà nước Palestine cùng tồn tại với Nhà nước Israel trong hòa bình và an ninh.

Trong tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Simon Harris nhấn mạnh Ireland “muốn công nhận Nhà nước Palestine khi kết thúc tiến trình hòa bình”, nhưng cuối cùng “đã thực hiện động thái này cùng với Tây Ban Nha và Na Uy để giữ cho phép màu hòa bình tồn tại”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide kêu gọi cộng đồng quốc tế phải tăng cường hỗ trợ chính trị và kinh tế cho Palestine và tiếp tục nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước. Theo ông Barth Eide, Na Uy là một trong những nước ủng hộ Nhà nước Palestine mạnh mẽ nhất trong hơn 30 năm qua.

Thủ tướng Slovenia Robert Golob cho biết chính phủ nước này sẽ quyết định về việc công nhận một Nhà nước Palestine độc ​​lập vào ngày 30-5. Malta cũng có kế hoạch nối gót Slovenia.

Trong khi khoảng 140 quốc gia đã công nhận Nhà nước Palestine, chiếm hơn 2/3 số thành viên LHQ, thì không một cường quốc phương Tây nào hành động tương tự. Tuy nhiên, việc ba quốc gia châu Âu nêu trên công nhận Nhà nước Palestine đánh dấu chiến thắng cho những nỗ lực của người Palestine trước dư luận thế giới và có thể sẽ gây sức ép lên các “đối thủ nặng ký” trong Liên minh châu Âu (EU) là Pháp và Ðức phải suy nghĩ lại lập trường của họ. Bên cạnh đó, động thái này còn có thể gia tăng áp lực buộc Israel phải tính tới giải pháp chính trị hòa bình.

Châu Âu từ lâu vốn ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine theo “giải pháp hai nhà nước” và bày tỏ thất vọng với các hoạt động của Israel tại Gaza và Bờ Tây, nhưng hầu hết các quốc gia đều không sẵn sàng tiến xa hơn.

Giải pháp hai nhà nước và lối thoát cho Gaza

Giải pháp hai nhà nước là ý tưởng thiết lập hai nhà nước có lãnh thổ tách biệt, trong đó một cho người Israel và một cho người Palestine. Khái niệm này xuất hiện trước khi Nhà nước Israel thành lập năm 1948, thời điểm kết thúc quyền ủy trị của người Anh đối với Palestine. Tuy nhiên, bạo lực và chiến tranh bùng phát trong những thập kỷ sau đó đã cản trở nỗ
lực này.

Trong Hiệp định Oslo do Mỹ làm trung gian đàm phán ký kết năm 1993, Israel chấp nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện của người Palestine, trong khi PLO công nhận quyền tồn tại hòa bình của Israel. Hai bên nhất trí rằng Chính quyền Palestine sẽ chịu trách nhiệm quản lý Bờ Tây và Dải Gaza, mang hy vọng về lộ trình hiện thực hóa mô hình hai nhà nước.

Thế nhưng, năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton không thể đạt thỏa thuận với Thủ tướng Israel Ehud Barak và lãnh đạo Palestine Yasser Arafat về việc thực thi Hiệp định Oslo. Phong trào nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel cũng khiến tiến trình hòa bình khu vực đình trệ trong nhiều năm.

Ý tưởng thiết lập nhà nước Palestine bao gồm Dải Gaza và phần lớn Bờ Tây với một số khu vực lãnh thổ được hoán đổi để bù đắp cho các khu định cư của người Israel ở Bờ Tây. Ða số người ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho rằng Israel nên đưa biên giới của họ về vị trí trước cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Sau cuộc chiến đó, Israel đã đưa quân kiểm soát Ðông Jerusalem và toàn bộ Dải Gaza.

Jerusalem là một trở ngại lớn khác. Người Palestine xem Ðông Jerusalem, nơi Israel đã sáp nhập, như thủ đô tương lai của Nhà nước Palestine.

 Phát biểu tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại Hội đồng LHQ về tình hình Trung Đông và vấn đề Palestine ngày 13-5, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, tuyên bố Việt Nam đồng tài trợ và ủng hộ nghị quyết lịch sử của Đại Hội đồng; ủng hộ Nhà nước Palestine sớm được gia nhập LHQ. Trước đó vài ngày, Đại Hội đồng đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Đại Hội đồng đã thảo luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết nói trên với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng. 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết