05/01/2025 - 17:02

Ngành Nông nghiệp nỗ lực duy trì tăng trưởng ở mức cao 

Năm qua, dù đối mặt với không ít khó khăn nhưng ngành Nông nghiệp nước ta vẫn đạt được mức tăng trưởng khá cao và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao. Ðây là tiền đề thuận lợi để ngành tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2025.

Trái cây được trưng bày tại một hội chợ triển lãm được tổ chức tại vùng ĐBSCL.

Khẳng định vị trí quan trọng

Năm 2024, các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp của nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BÐKH), tình hình thời tiết cực đoan và các tác động bất lợi về giá cả và sức mua nhiều loại nông sản trên thị trường thế giới bị giảm, có nhiều sự cạnh tranh. Song, với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Ðảng, Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực của các bộ ngành Trung ương, ngành Nông nghiệp đã kịp thời đối phó có hiệu quả với các diễn biến bất lợi. Toàn ngành đã nỗ lực vượt qua các khó khăn, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành, thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS). Kết quả, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt mức khá cao, với mức tăng 3,3% (cao hơn mức Chính phủ giao 3-3,2%). Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỉ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, với thặng dư thương mại đạt gần 18 tỉ USD, chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất siêu của cả nước.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Năm qua, năng suất, sản lượng lúa và một số loại cây ăn trái, cây công nghiệp chủ lực đều tăng so với năm trước. Sản lượng thịt hơi các loại và sản lượng thủy sản đều tăng. Diện tích trồng rừng tăng, các biện pháp bảo vệ rừng được tăng cường. Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân. Thị trường tiêu thụ sản phẩm NLTS tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Cả nước đã có 14.642 sản phẩm OCOP, tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023…

Duy trì tăng trưởng cao

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành NN&PTNT. Tại hội nghị này, đại diện nhiều địa phương, hiệp hội ngành hàng cùng các bộ, ngành và đơn vị có liên quan đã khẳng định ngành Nông nghiệp còn nhiều tiềm năng và "dư địa" để có thể phát triển nhanh, mạnh hơn và tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, toàn ngành NN&PTNT cùng các cấp, các ngành chức năng và các bên có liên quan cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn và tạo các điều kiện thuận lợi để mở rộng các "không gian" phát triển cho nông nghiệp. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn và hạn chế còn tồn tại của ngành và trên từng lĩnh vực cụ thể, đồng thời bày tỏ quyết tâm cùng phối hợp vào cuộc để đưa ngành NN&PTNT phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: "Rau quả của nước ta đã có mặt tại hơn 60 thị trường trên thế giới. Việt Nam có thể tự tin là nước cung cấp dồi dào các loại rau quả ngon, chất lượng cho thế giới. Ðiều này cho thấy tiềm năng to lớn, trình độ và năng lực phát triển mạnh mẽ của ngành rau quả Việt Nam… Tuy nhiên, để bảo vệ thành quả, giữ được sự ổn định của chuỗi cung ứng và tiếp tục phát triển nhanh hơn, ngành rau quả cần khắc phục ngay các hạn chế về việc đảm bảo sự ổn định về chất lượng và an toàn của sản phẩm. Chú ý ứng dụng các công nghệ sau thu hoạch để giảm tổn thất và tăng giá trị. Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định của các doanh nghiệp khi đưa rau quả đi tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, xây dựng mối liên kết bền vững, đi cùng nhau để đi được xa hơn".

Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, thời gian qua tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh luôn ở mức cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn như thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, tiêu thụ nông sản đôi khi còn gặp khó khăn… Ðể phát huy các kết quả tại địa phương và góp phần vào sự phát triển chung của ngành NN&PTNT cả nước, tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn bền vững. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân trong phát triển nông nghiệp. Tăng xúc tiến, thu hút đầu tư, khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi số vào nông nghiệp. Xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường để tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho rằng, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích của cả nhiệm kỳ 2021-2025, năm sẽ diễn ra đại hội Ðảng các cấp, chuẩn bị tiến tới Ðại hội toàn quốc lần thứ XIV của Ðảng. Do đó, ngành phải tăng tốc, bứt phá, cùng cả nước thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của Ðảng, trong đó mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất trên 8% và phấn đấu đạt 2 con số trong năm 2025. Thủ tướng yêu cầu ngành NN&PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,5-4%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 60%, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%... Ngành cần tập trung lãnh đạo làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ nút thắt và điểm nghẽn về thể chế, cơ chế chính sách để phát triển ngành nhanh và bền vững. Ðẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm... Toàn ngành cần nỗ lực phấn đấu để nông dân ấm no và hạnh phúc hơn, nông thôn hiện đại hơn, nông nghiệp tiên tiến hơn…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết