03/01/2021 - 08:32


Ngành Nông nghiệp
Một năm vượt khó thành công 

Năm 2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nước ta đã nỗ lực vượt khó, phát huy sáng tạo, khát vọng vươn lên, bám sát thực tiễn, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Kết quả đã duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch. Nông nghiệp khẳng định vai trò đảm bảo an ninh lương thực, là trụ đỡ của nền kinh tế và đã phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu.

Sản xuất lúa tại mô hình cánh đồng lớn của Hợp tác xã nông nghiệp Hiếu Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Nhiều điểm sáng

Sản lượng lúa của cả nước năm 2020 đạt 42,8 triệu tấn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và dành một lượng lớn để xuất khẩu với giá rất cao so với các năm trước. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% và giá xuất khẩu gạo đạt bình quân tới 496 USD/tấn, tăng 56 USD/tấn so với năm trước. Sản xuất rau màu đạt diện tích khoảng 1,16 triệu héc-ta, với sản lượng 18,2 triệu tấn, tăng 458.000 tấn so với 2019. Diện tích cây ăn trái tăng thêm 40.000ha, đạt 1,1 triệu héc-ta, với sản lượng và chất lượng các loại cây ăn trái có lợi thế của cả nước và từng vùng miền đều tăng. Chăn nuôi có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học.

Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5%; sữa tươi trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9% và trứng 14,15 tỉ quả, tăng 6,6% so với năm trước. Nước ta cũng đẩy nhanh phát triển bền vững cả vùng nuôi trồng và khai thác thủy sản. Ðẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh, nâng cao chất lượng rừng và hiện tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Ðồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để phát triển và tái cơ cấu lại ngành với các giải pháp đồng bộ, đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,65%, tăng giá trị xuất khẩu khá cao trên hầu hết các lĩnh vực. Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, với kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỉ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó có 5 nhóm hàng kim ngạch trên 3 tỉ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều và gạo. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,3 tỉ USD.

Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, đồng bộ, phục vụ tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục đổi mới phù hợp với thị trường và yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh và đã tạo nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai rộng khắp và đã công nhận được 3.200 sản phẩm OCOP. Cả nước có 5.506 xã (chiếm tỷ lệ  62%) và 173 huyện (chiếm 26%) đạt chuẩn nông thôn mới…

Tiếp tục đạt nhiều thắng lợi

Ngành Nông nghiệp đạt được những thành tựu trên, chính nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, khơi thông các nguồn lực, giúp cho ngành Nông nghiệp vượt qua thách thức, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ðây là một bài học kinh nghiệm rất quan trọng cần phát huy trong thời gian tới để đạt thành công.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong công tác quản lý và điều hành, toàn ngành đã chủ động phát hiện những thách thức, đề ra những giải pháp đột phá để chỉ đạo quyết liệt như: phát triển thị trường, hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính, thu hút đầu tư xã hội, khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo… đã tạo nên những kết quả tích cực dù trong bối cảnh rất khó khăn. Mặt khác, trong thực hiện chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thì doanh nghiệp, HTX thực sự là hạt nhân nòng cốt để cùng với nông dân xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả. Thời gian tới, cần tập trung các giải pháp thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và hình thành các HTX hoạt động hiệu quả. Ðây chính là chìa khóa cho bước phát triển giai đoạn tới đây.

Phân loại xoài để xuất khẩu tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ.

Năm 2021, được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn và thách thức đan xen với những thời cơ, thuận lợi, trong đó đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai… tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt. Ngành Nông nghiệp cũng đối mặt với khó khăn khi cơ cấu sản xuất quy mô nông hộ nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn, gây khó trong áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật và quản lý chất lượng. Ngành NN&PTNT cũng cần tiếp tục phối hợp chặt các bên liên quan để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và chiến lược lâu dài nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngành NN&PTNT đã có sự chủ động phối hợp với các bộ, ngành và chính sự chủ động phối hợp mang tính đồng bộ, giúp kịp thời tháo gỡ khó khăn, khơi thông đầu ra cho nhiều loại nông sản, thực phẩm xuất khẩu sang các thị trường khi bị đình trệ, ách tắc do COVID-19 và tác động của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Hàng loạt những nội dung lớn đã được Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Năm 2020, chúng ta cũng chứng kiến “làn sóng” đầu tư và các hoạt động của doanh nghiệp tham gia vào phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt theo hướng của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, nó đã được định hình và khẳng định. Ðây là hướng đi đúng cần hướng tới trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành NN&PTNT năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ năm 2020 là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện... Kế hoạch năm 2021, cần tiếp tục tinh thần “biến nguy cơ thành thời cơ”. Nguy cơ là thời tiết cực đoan nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi. Thời cơ lớn là thị trường đang mở rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định: CPTPP, EVFTA, RCEP. Chúng ta phải tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế để ngành Nông nghiệp vươn lên, trước hết là sửa đổi Luật Đất đai. Tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra trước khi tổ chức sản xuất. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Năm 2021, toàn ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 44 tỉ USD. GDP ngành phải giữ được ở mức tăng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 3%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ở mức 70%...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết