Ngành công nghiệp may mặc châu Á đang đứng bên bờ sụp đổ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, khiến hàng triệu lao động tại khu vực trước nguy cơ mất việc, từ đó tạo ra nhiều vấn đề xã hội tại các nước vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu mặt hàng này như Bangladesh, Campuchia và Trung Quốc.

Công nhân may Bangladesh trong một ca làm việc. Ảnh: CNBC
Stanley Szeto, Chủ tịch điều hành Công ty may mặc Lever Style (Hong Kong), cho biết nhiều cửa hàng quần áo đã đóng cửa, trong khi các thương hiệu và nhà bán lẻ đang trong tình trạng “cung vượt cầu”. Do lo ngại không bán được, nhiều nơi đã hủy đơn hàng. Chẳng hạn như tại Bangladesh, hàng loạt đơn đặt hàng hàng may mặc trị giá 2,6 tỉ USD đã bị hủy.
“Chúng tôi phải đối mặt với việc bị hủy rất nhiều đơn đặt hàng. Do đó, chúng tôi không thể trả lương cho công nhân. Hiện lo lắng của tôi chính là điều gì sẽ xảy ra đối với khoảng 4,1 triệu người làm việc trong lĩnh vực may mặc. Chúng tôi muốn các công nhân được trả lương, chúng tôi muốn họ được an toàn. Vì vậy, chúng tôi cần các thương hiệu phản ứng một cách kịp thời” - Rubana Huq, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, bày tỏ.
Sản xuất hàng may mặc là ngành công nghiệp số 1 ở Bangladesh, chiếm hơn 4/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Bangladesh là nhà xuất khẩu quần áo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và được các thương hiệu như H&M (Thụy Điển), Target (Mỹ) và Marks&Spencer (Anh) chọn làm nơi sản xuất các sản phẩm của mình. Ước tính, Bangladesh có hơn 4.600 xưởng may quần áo để xuất sang các nước ở châu Âu, Mỹ và Canada. Trong năm tài khóa 2018-2019, hàng may mặc chiếm 84,21% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 40,5 tỉ USD của Bangladesh.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của ngành may mặc trong giai đoạn bùng phát COVID-19 khiến công nhân nước này bị ảnh hưởng hơn bao giờ hết. Hàng triệu công nhân may ở Bangladesh đã mất việc vì COVID-19, khiến họ không có thu nhập và không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở về những ngôi nhà chật chội tại các khu ổ chuột hay các ngôi làng không có điều kiện vệ sinh cơ bản, không có nguồn dự trữ để chống đại dịch, hoặc thậm chí không có khả năng duy trì cuộc sống, làm gia tăng mối đe dọa bùng phát đại dịch trong cộng đồng.
“Khi nói về chuyện cách ly ở một quốc gia đông dân như Bangladesh thì đó như là một trò đùa. Ở các nước khác người ta có thể tự cách ly nhưng người dân nước tôi không có khả năng đó. Công nhân thường sống chung với anh chị em trong những ngôi nhà chật hẹp. Do đó, nếu một người bị nhiễm bệnh, mọi người đều nhiễm bệnh” - Kalpona Akter, Giám đốc điều hành Trung tâm Đoàn kết Công nhân Bangladesh, lo ngại. Ông Akter cho rằng việc tự cách ly và giãn cách xã hội là điều gần như không thể ở Bangladesh, một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới. Với 164 triệu dân trên 147.699km2, Bangladesh có diện tích bằng với bang North Carolina của Mỹ nhưng chứa tới nửa dân số nước này. Tình thế ở Bangladesh như quả bom hẹn giờ nếu dịch COVID-19 bùng phát.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Trung Quốc. Các xưởng may đã ngừng hoạt động khi COVID-19 bùng phát tại nước này, làm gián đoạn việc cung ứng các mặt hàng may mặc tới nhiều nơi trên khắp thế giới. Tại Myanmar, ít nhất 20 xưởng may đã đóng cửa, chủ yếu là do thiếu nguyên liệu thô, khiến hơn 10.000 công nhân có nguy cơ thất nghiệp. Trong khi đó, hàng ngàn công nhân may ở Campuchia đã bị mất việc.
Trong bối cảnh trên, Chính phủ Bangladesh đã ban hành gói cứu trợ trị giá 50 tỉ BDT (khoảng 600 triệu USD) dành cho các ngành công nghiệp sản xuất, gồm lĩnh vực may mặc. Campuchia tuyên bố cho phép công nhân may nhận 60% mức lương tối thiểu nếu xưởng may của họ đóng cửa, 40% do công ty chi trả, 20% còn lại sẽ do chính phủ hỗ trợ. Còn Chính phủ Myanmar sẽ cho các chủ xưởng may vay nếu không thể trả lương cho công nhân.
TRÍ VĂN (Theo CNBC, QZ)