19/06/2019 - 18:53

Ngành công nghệ sinh học Trung Quốc lôi kéo nhân tài Mỹ 

Các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học Trung Quốc, vốn tìm cách vươn ra toàn cầu, đang ra sức thu hút nhân tài từ các hãng dược phẩm lớn nhất của Mỹ bằng mức lương hậu hĩnh cùng môi trường làm việc thoải mái hơn mà không cần họ rời khỏi Mỹ.

Nhân viên BeiGene làm việc tại một văn phòng ở Mỹ. Ảnh: WSJ

Nhân viên BeiGene làm việc tại một văn phòng ở Mỹ. Ảnh: WSJ

Trong số các nhân tài Mỹ được các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học Trung Quốc chiêu mộ có Tiến sĩ Eric Hedrick, cựu Giám đốc y tế tại hãng công nghệ sinh học Genentech. Được biết, Tiến sĩ Hedrick chưa từng đến Trung Quốc trước khi trở thành nhân viên Mỹ đầu tiên đầu quân cho công ty BeiGene có trụ sở tại Bắc Kinh hồi năm 2015. Tại BeiGene, nhà đồng phát triển thuốc trị ung thư Avastin tại Genentech này làm tư vấn, sau đó được bổ nhiệm giám đốc y tế. Ở tuổi 54 tuổi, Tiến sĩ Hedrick cho biết ông muốn trở thành người tiên phong trong sự bùng nổ công nghệ sinh học của Trung Quốc. Hedrick tiết lộ, ông đã thuyết phục nhiều đồng nghiệp khác rời Genentech để gia nhập BeiGene. Nhờ đó, công ty có 3 loại thuốc được thử nghiệm tại Mỹ này đến nay đã có hơn 400 nhân viên làm việc tại văn phòng ở các bang Massachusetts, California và New Jersey. Đầu năm nay, BeiGene đã trình lên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu thông qua phương pháp điều trị tế bào bạch cầu ở bệnh nhân ung thư. Nếu được FDA thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên một loại thuốc tân tiến từ một công ty Trung Quốc được phép xâm nhập thị trường Mỹ.

Tương tự như BeiGene, công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Chi-Med hồi năm ngoái đã thuê Marek Kania, Phó Chủ tịch hãng dược phẩm Mỹ Eli Lilly, giám sát các thử nghiệm của công ty này tại Mỹ. Dưới sự giám sát của ông Kania, Chi-Med hiện đang cho thử nghiệm 2 loại thuốc và đã được FDA chấp thuận việc thử nghiệm 2 loại thuốc nữa. Hiện Chi-Med có kế hoạch tăng gấp đôi lượng nhân viên người Mỹ (từ 20 người hiện nay) trong năm tới.

Việc mở rộng nhanh chóng của BeiGene cũng như Chi-Med cho thấy cách thức các công ty Trung Quốc, từ ô tô đến công nghệ, thu hút nhân tài Mỹ. Một số công ty lớn của Mỹ thừa nhận rằng cuộc chiến nhằm giữ chân các nhân tài hàng đầu trở nên khốc liệt hơn khi các hãng công nghệ sinh học Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài. “Giống như bất kỳ ngành công nghiệp tăng trưởng nào, nhu cầu về các nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm trong ngành công nghệ sinh học đang tăng lên một cách tự nhiên” – phát ngôn viên của tập đoàn dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson cho biết.

Trong những năm gần đây, ít nhất 6 công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học Trung Quốc thành lập văn phòng tại xứ cờ hoa, từ vùng đô thị Greater Boston đến Thung lũng Silicon, nhằm thương mại hóa các sản phẩm y tế của họ tại thị trường dược phẩm lớn nhất thế giới. Và cựu giám đốc điều hành các hãng như Johnson & Johnson và Eli Lilly đang đảm trách nhiệm vụ này, chịu trách nhiệm giám sát các cuộc thử nghiệm thuốc Trung Quốc trên bệnh nhân Mỹ.

Nỗ lực trên được xem là một phần trong chiến lược Made in China (Sản xuất tại Trung Quốc) 2025 do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng nhằm thống trị nền kinh tế toàn cầu bằng công nghệ riêng. Năm 2018, vốn đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ sinh học đã vượt vốn đầu tư vào  bất động sản và giải trí của Trung Quốc tại Mỹ. Theo đó, vốn đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe  hồi năm ngoái đạt mức 2,8 tỉ USD, tăng mạnh so với con số chỉ 702,9 triệu USD của năm 2017. Hiện các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc cũng đang thu thập dữ liệu lâm sàng và di truyền đối với cư dân Mỹ. Thông tin này có thể gióng lên hồi chuông báo động đối với Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ, cơ quan giám sát quyền sở hữu của nước ngoài đối với tài sản nội địa Mỹ. 

TRÍ VĂN (Theo WSJ, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết