18/06/2021 - 08:16

Nga - Trung hợp lực chạy đua không gian với Mỹ 

Sau nhiều năm hợp tác khá hạn chế, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu vạch ra kế hoạch đầy tham vọng cho các sứ mệnh trong không gian, cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và đồng minh, qua đó mở ra kỷ nguyên cạnh tranh không gian mới được dự báo đầy khốc liệt.

Tên lửa Trường Chinh -2F mang tàu Thần Châu 12 lên không gian ngày 17-6.

Theo Thời báo New York (NYT), để mở đầu cho sự hợp tác Nga - Trung trong không gian, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh có kế hoạch đưa robot tới một tiểu hành tinh có tên Kamo’oalewa vào năm 2024. Nga và Trung Quốc cũng đang phối hợp triển khai một loạt sứ mệnh trên Mặt trăng nhằm xây dựng một cơ sở nghiên cứu lâu dài trên cực Nam Mặt trăng vào năm 2030.

NYT cho hay, tàu vũ trụ Luna của Nga được phát triển dưới thời Xô Viết sẽ được Mát-xcơ-va phóng đi vào tháng 10 tới nhằm xác định vị trí của băng để có thể cung cấp nước cho các chuyến du hành Mặt trăng của con người trong tương lai. “Trung Quốc có chương trình không gian đầy tham vọng cũng như có các nguồn lực mạnh mẽ. Ngược lại, Nga đang cần một đối tác” - Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie ở thủ đô Mát-xcơ-va, cho biết.

Thật ra, Trung Quốc và Nga trong quá khứ cũng từng hợp tác trong lĩnh vực không gian. Chẳng hạn, Bắc Kinh từng mua thiết bị của Mát-xcơ-va để xây dựng 2 trạm không gian tạm thời vào năm 2011 và 2016. Song, Trung Quốc và Nga đến nay vẫn chưa có bất kỳ hợp tác chung về không gian nào.

Giới phân tích cho rằng hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp Nga có khả năng theo đuổi tham vọng không gian mà nước này không đạt được trong thời hậu Xô Viết khi mà Mát-xcơ-va phải đối mặt với ngân sách ngày càng giảm trong khi tình trạng tham nhũng tràn lan. Nó cũng cho thấy mối quan hệ ấm nồng giữa Trung Quốc và Nga, qua đó phản ánh địa chính trị của thế giới ngày nay. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin, Trung Quốc và Nga ngày càng trở nên thân thiết, giúp giảm bớt sự ngờ vực giữa 2 nước trong nhiều thập kỷ qua, tạo ra một liên minh mạnh mẽ tuy không chính thức chống lại Mỹ. Không gian cũng đã trở thành một phần mở rộng tự nhiên của mối quan hệ đang ấm lên giữa Nga và Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ ngày càng căng thẳng với Mỹ.

Tuy là nước “sinh sau” trong lĩnh vực khám phá không gian nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng vượt mặt các cường quốc với những sứ mệnh mà Nga lâu nay không thực hiện được, như đưa robot thám hiểm tự hành lên sao Hỏa hồi tháng trước. Mới nhất, tên lửa mang theo tàu vũ trụ Thần Châu 12 của Trung Quốc hôm qua 17-6 đã rời bệ phóng ở sa mạc Gobi, chở theo 3 phi hành gia lên mô-đun của trạm không gian đang xây dựng trên quỹ đạo Trái đất, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đưa người lên không gian sau gần 5 năm.

Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ, Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Roscosmos của Nga, ông Dmitri O. Rogozin, mới đây dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận duy trì Trạm Không gian Quốc tế (ISS) vào năm 2025 trừ phi Washington dỡ bỏ cấm vận khiến Nga không thể nhập khẩu nhóm vi mạch cần thiết cho chương trình không gian. ÔngRogozin tuyên bố Nga đã sẵn sàng bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình với mục tiêu phóng lên quỹ đạo vào năm 2030 nếu Tổng thống Putin cho phép.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết