26/05/2018 - 11:00

Nga phủ nhận liên quan vụ rơi máy bay MH17 

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố nước này không liên quan đến vụ bắn rơi máy bay dân sự MH17 trên bầu trời phía Đông Ukraine hồi năm 2014 sau khi Nhóm điều tra chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu lần đầu tiên khẳng định tên lửa “thủ phạm” thuộc về một lữ đoàn của xứ bạch dương.

Một bộ phận của tên lửa tầm trung BUK được trưng bày trong cuộc họp báo hôm 24-5. Ảnh: FT

Từ những giờ đầu tiên sau thảm kịch, Bộ Quốc phòng Nga đã liên tục bác bỏ những lời ám chỉ của Ukraine rằng lực lượng vũ trang Nga thông đồng trong thảm kịch ở Ukraine và đã trao bằng chứng liên quan cho nhóm điều tra Hà Lan”- Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh. Bộ này nói rõ không có bất cứ tổ hợp tên lửa nào của Mát-xcơ-va được đưa qua biên giới Nga- Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga thậm chí tố ngược lại cáo buộc của JIT là “âm mưu làm mất uy tín của nước này trong mắt cộng đồng quốc tế”.

Nga phản ứng gay gắt như thế bởi trong cuộc họp báo tại Utrecht (Hà Lan) hôm 24-5, điều tra viên Wilbert Paulissen cho rằng JIT “đi đến kết luận tên lửa BUK-TELAR bắn hạ MH17 thuộc về lữ đoàn phòng không 53 của Nga đóng tại thành phố Kursk, phía Tây nước Nga”.

Trước đây, các điều tra viên kết luận MH17 bị bắn rơi bởi tên lửa BUK do Nga sản xuất, được mang từ Nga sang và khai hỏa tại khu vực do phe nổi dậy thân Mát-xcơ-va kiểm soát ở Ukraine, nhưng không đề cập đến đối tượng thực hiện. Hiện nay trong số hàng chục nghi can đóng “vai trò tích cực”, nhóm điều tra xác định 2 nhân vật chính sau khi thu thập các đoạn đối thoại được ghi âm trước và sau khi thảm kịch xảy ra.

Nga âm thầm thử tên lửa đất đối không bay xa nhất thế giới 

Mới đây, nguồn tin tình báo của Mỹ cho biết Nga đã âm thầm thực hiện vụ thử tên lửa đất đối không có hành trình bay dài nhất thế giới S-500. Theo đó, tên lửa này đã đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 480km, xa hơn 80km so với bất cứ vụ thử nào trước đây. 

Mát-xcơ-va tuyên bố S-500 có khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh, máy bay không người lái, chiến đấu cơ cũng như các máy bay tàng hình như F-22 và F-35.       

Ngoài ra, các điều tra viên cũng sử dụng hình ảnh và video để tái tạo hành trình của đoàn xe chở tên lửa đi từ Kursk sang Ukraine. Theo đó, đoàn xe khoảng 50 chiếc, bao gồm 6 hệ thống tên lửa BUK-TELAR, đã rời căn cứ Kursk vào ngày 23-6-2014. Trong đó, tên lửa “thủ phạm” đã bị ghi hình nhiều lần ở Đông Ukraine khi được vận chuyển bằng xe tải có rơ-moóc. Nhiều ngày sau, đoàn xe được cho trở về căn cứ nhưng lạc mất một quả tên lửa. Theo ông Paulissen, nhóm điều tra xác định tên lửa nói trên “có nhiều đặc điểm độc nhất và đây được coi như một dạng dấu vân tay của tên lửa”. Lập luận này đã bị Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Yury Shvytkin đặt nhiều nghi vấn.

Ngay sau công bố của JIT, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua nhấn mạnh rằng để công nhận kết quả điều tra, Mát-xcơ-va phải có vai trò đầy đủ trong cuộc điều tra quốc tế. Theo chủ nhân Điện Kremlin, ngay từ đầu Nga đã đề nghị hợp tác điều tra thảm kịch MH17, nhưng bất thành.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã cắt ngắn chuyến công du xúc tiến thương mại tại Ấn Độ để trở về nước triệu tập cuộc họp khẩn nội các ngày 25-5. Báo cáo của JIT là vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Trên đường bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur hồi tháng 7-2014, máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã nổ tung trên bầu trời Donetsk ở Đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, trong đó 2/3 nạn nhân là người Hà Lan.

THANH BÌNH (Theo AFP, CNBC, TASS)

Chia sẻ bài viết