02/10/2019 - 05:14

Nga gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông 

Trong vòng 2 tuần kể từ khi xảy ra cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, Nga được cho đã khéo léo tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (trái) trò chuyện cùng Tổng thống Nga Putin tại thượng đỉnh G20 ở Nhật hồi tháng 6.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (trái) trò chuyện cùng Tổng thống Nga Putin tại thượng đỉnh G20 ở Nhật hồi tháng 6.

Chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ tấn công, tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết sẽ đàm phán với các nước Trung Đông về việc bán các hệ thống vũ khí chống máy bay không người lái (UAV) mới – thị trường từ lâu do Mỹ thống trị. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch thăm Saudi Arabia và Vùng Vịnh trong tháng này nhằm tăng cường hợp tác về năng lượng và dầu mỏ, thúc đẩy đầu tư cũng như quảng bá hệ thống phòng không Pantsir –  vũ khí mà Rosoboronexport sẽ trưng bày tại Triển lãm hàng không Dubai vào tháng 11 tới. “Những sự kiện gần đây trên thế giới đã chỉ ra rằng các hệ thống chống do thám và tấn công bằng UAV cũng như các loại vũ khí tấn công trên không khác ngày càng giữ vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ các cơ sở quan trọng” - Rosoboronexport cho biết trong một thông cáo báo chí.

Đây không phải lần đầu Nga thể hiện sự tự tin trong việc tạo dựng ảnh hưởng tại khu vực. Mát-xcơ-va đã giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đạt thỏa thuận hợp tác với cả Israel và Iran, và bán các hệ thống tên lửa cho Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Trong cuộc họp báo hôm 16-9 ở thủ đô Ankara, nơi Tổng thống Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, cả ba đều lên tiếng chỉ trích Mỹ vì đã bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Saudi Arabia, đồng thời khuyên Riyadh nên mua hệ thống này từ Mát-xcơ-va. “Điều mà giới lãnh đạo của Saudi Arabia phải làm là đưa ra một quyết định sáng suốt, giống như cách Iran từng làm là mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 hay như cách Tổng thống Erdogan đã làm là mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph mới nhất của Nga” – ông Putin phát biểu tại hội nghị.

Chính động thái trên mà Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ loại khỏi chương trình sản xuất chiến đấu cơ tàng hình F-35 và hứng chịu các lệnh trừng phạt bổ sung từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nó đồng thời cho thấy sự thay đổi địa chính trị to lớn, đó là Mát-xcơ-va ngày càng đóng vai trò như một lực lượng chiến lược trên khắp Trung Đông. Giới lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ như Ai Cập và Saudi Arabia thường xuyên tham khảo ý kiến của Nga về sự phát triển của khu vực, trong khi các thỏa thuận bán vũ khí và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng của Nga từ vùng Vịnh Arab đến Bắc Phi không ngừng gia tăng. Nga cũng có mối quan hệ gần gũi hơn với Lebanon và Iraq. Ngay cả Israel, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông, cũng trở thành nhà môi giới quyền lực trong khu vực của Nga khi tổ chức hội nghị với sự tham dự của các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Nga hồi cuối tháng 6 tại thành phố Jerusalem.

Trước những toan tính của Nga, Mathieu Boulegue, nhà nghiên cứu chương trình Nga và Á-Âu thuộc Viện các vấn đề quốc tế hoàng gia tại Luân Đôn (Anh) nhận định rằng Mát-xcơ-va đang xem mình như là một quốc gia đa năng ở Trung Đông, theo đó không có vấn đề dù lớn hay nhỏ nào mà nước này không thể không giải quyết được. Theo ông Boulegue, Nga muốn có mặt ở mọi nơi và can thiệp vào mọi thứ để trở thành một yếu tố không thể thiếu, với tham vọng cuối cùng là trở thành “người tạo ra quy tắc” cho khu vực.

Song, Kori Schake, Viện phó Viện quốc tế về nghiên cứu chiến lược (Anh), cho rằng Nga khó có thể thay thế Mỹ trở thành lực lượng đảm bảo an ninh ở Vùng Vịnh, vai trò mà Washington đã nắm giữ từ những năm 1950, trong bối cảnh Mát-xcơ-va đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong nước như tìm cách nâng cao mức sống cho người dân, đa dạng hóa cũng như cải thiện tăng trưởng kinh tế.

TRÍ VĂN (Theo Reuters, National Review)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
NgaTrung Đông