26/12/2019 - 14:12

Nga dẫn đầu thế giới về vũ khí bội siêu thanh? 

Ngày 24-12, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga đang dẫn đầu thế giới về vũ khí bội siêu thanh và là quốc gia duy nhất triển khai khí tài hiện đại này.

Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal nằm dưới “bụng” tiêm kích MiG-31. Ảnh: Brisbane Times

Phát biểu trong cuộc họp với các lãnh đạo quân đội tại thủ đô Mát-xcơ-va, ông Putin nhấn mạnh lần đầu tiên trong lịch sử Nga đang dẫn đầu thế giới trong việc phát triển loại vũ khí mới, không như trước đây phải đuổi theo Mỹ. Chủ nhân Điện Kremlin cho rằng trong tháng này đơn vị đầu tiên trang bị tên lửa bội siêu thanh Avangard sẽ được đưa vào biên chế, sau khi tên lửa hành trình bội siêu thanh Kinzhal phóng từ máy bay đánh chặn MiG-31K đã vào biên chế từ năm ngoái.

Lãnh đạo xứ bạch dương lần đầu giới thiệu Avangard, Kinzhal và một số hệ thống vũ khí khác hồi tháng 3-2018. Do đóng vai trò như đầu đạn của tên lửa đạn đạo liên lục địa, Avangard được phóng lên không trung, sau đó trở về Trái đất và lướt trong khí quyển với tốc độ nhanh gấp 20 lần vận tốc âm thanh. Nó đủ sức “xuyên thủng các lá chắn tên lửa hiện nay và trong tương lai” nhờ có khả năng thay đổi quỹ đạo trong hành trình bay và độ cao. Trong khi đó, Kinzhal bay nhanh hơn tốc độ âm thanh 10 lần, đạt tầm bắn hơn 2.000km và cũng có thể mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Thiết bị này có khả năng kết liễu các mục tiêu trên đất liền và tàu chiến. Những hệ thống bội siêu thanh được đánh giá là đặc biệt hữu ích trong việc đánh chìm tàu sân bay, tàu đổ bộ và thậm chí các phương tiện vận chuyển quân nhu cần thiết.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũ từng thua kém Mỹ trong thiết kế bom nguyên tử, chế tạo máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nhưng nay Nga được cho đang ở “vị trí chưa từng có trong lịch sử hiện đại”, bởi không một nước nào sở hữu vũ khí bội siêu thanh, chứ đừng nói vũ khí bội siêu thanh có tầm bắn liên lục địa.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Carver cho rằng “chưa có dấu hiệu gì đáng lo ngại về tuyên bố của Nga”. Được biết, giới chức Mỹ từng nhiều lần cảnh báo quốc hội nước này về các vũ khí bội siêu thanh mà Nga và Trung Quốc đang phát triển. Song song đó, Lầu Năm Góc và các tổ chức liên quan cũng đang nghiên cứu về việc phát triển vũ khí bội siêu thanh trong những năm gần đây. Hồi tháng 8 vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tin rằng “có lẽ nó chỉ là vấn đề trong một vài năm” trước khi Mỹ sở hữu vũ khí tương tự.

Do vậy, cái gọi là “khoảng cách mới về tên lửa” cũng đã được nhắc tới. Đó là chênh lệch về các hệ thống vũ khí bội siêu thanh giữa Mỹ và các đối thủ chính gồm Nga và Trung Quốc. Các tướng lĩnh quân đội Mỹ thừa nhận Nga và Trung Quốc đang có lợi thế trong cuộc đua phát triển và triển khai tên lửa bội siêu thanh. Năm ngoái, Bắc Kinh đã thử nghiệm tên lửa bội siêu thanh DF-17.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, National Interest)

Chia sẻ bài viết