13/09/2019 - 18:51

Nga cân bằng giữa Trung Quốc và Ấn Độ 

Trong chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga để tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Mát-xcơ-va và New Delhi đã ký kết 15 thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng cho đến năng lượng. Nhà lãnh đạo Ấn Độ còn cam kết cho Nga vay 1 tỉ USD để phát triển vùng Viễn Đông giàu tài nguyên-khu vực mà Điện Kremlin từ lâu tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Modi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông hôm 4-9. Ảnh: Reuters

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Modi tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông dù sự kiện này đã được tổ chức 5 lần. Nó ra đời trong bối cảnh Nga bắt đầu xoay trục kinh tế về hướng Đông, chuyển sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc để buôn bán và đầu tư sau khi nhận thấy phương Tây ngày càng xa lánh sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Mát-xcơ-va là tìm nguồn vốn phát triển vùng Viễn Đông. Song, chiến lược này dường như không thành công. Artyom Lukin, Phó Giáo sư tại Học viện Nghiên cứu khu vực và quốc tế thuộc Đại học Viễn Đông Nga, nói rằng kết quả những nỗ lực nhằm thu hút đầu tư châu Á vào vùng Viễn Đông là rất mờ nhạt. Nghiên cứu của ông Lukin cho thấy cho đến nay chỉ có 4 dự án đầu tư lớn của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông với tổng vốn chưa tới 1 tỉ USD.

Dù nước chủ nhà đưa ra nhiều ưu đãi, các nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài khác vẫn không đổ xô đến vùng Viễn Đông vì 2 lý do. Một là, họ sợ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hai là, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên tại khu vực đòi hỏi nguồn vốn lớn bởi điều kiện môi trường nơi đây khắc nghiệt cộng với việc thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp nhưng lợi nhuận thì không được đảm bảo. Do đó, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã chọn cách đầu tư ở những nơi như Brazil hay Indonesia chứ không phải là vùng Viễn Đông.

Trong bối cảnh đó, Nga phải chuyển mục tiêu sang Ấn Độ. Theo lời giải thích của ông Lukin, việc Thủ tướng Modi là khách mời đặc biệt tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm nay một phần là do Trung Quốc phớt lờ đầu tư tại vùng Viễn Đông. “Tôi nghĩ bằng cách mời Thủ tướng Modi đến Vladivostok, Tổng thống Vladimir Putin có lẽ đang muốn cho Trung Quốc thấy rằng nếu nước này không đầu tư vào vùng Viễn Đông thì Ấn Độ sẽ đầu tư” – ông Lukin cho biết. Kết quả là, ngoài nhiều thỏa thuận đã được ký kết, Ấn Độ còn cam kết cho Nga vay 1 tỉ USD để thực hiện các dự án phát triển kinh tế ở vùng Viễn Đông.

Tuy nhiên, Ấn Độ “còn rất xa” mới có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong việc giành thị trường Nga ở vùng Viễn Đông hoặc bất kỳ nơi nào khác tại xứ bạch dương. Thống kê cho thấy kim ngạch thương mại giữa Nga và Ấn Độ năm ngoái chỉ đạt 11 tỉ USD, trong khi giữa Nga và Trung Quốc là 107 tỉ USD, giúp Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mát-xcơ-va. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực quốc phòng. Dù Nga và Ấn Độ có lịch sử hợp tác quân sự lâu dài, Bắc Kinh đã vượt mặt New Delhi trở thành đối tác của Mát-xcơ-va trong một số khía cạnh quan trọng.

Thật ra, để cân bằng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, giới chuyên gia Nga cho rằng Mát-xcơ-va sẽ không phải chọn giữa Bắc Kinh và New Delhi, bởi hai nước này còn rất lâu mới trở thành đối thủ của nhau dù các phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang leo thang.

TRÍ VĂN (Theo National Interest)

Chia sẻ bài viết