05/06/2021 - 00:40

New Zealand sẽ rời “Ngũ Nhãn”? 

Câu hỏi trên được đặt ra sau khi New Zealand tái khẳng định chính sách thân thiện với Trung Quốc giữa thời điểm các đồng minh đang có cách tiếp cận ngày càng cứng rắn trước Bắc Kinh.

Thủ tướng New Zealand Ardern và người đồng cấp Úc Morrison.

“Ngũ Nhãn” là liên minh các cơ quan tình báo được lập ra từ thời Chiến tranh Lạnh giữa 5 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand. Những năm gần đây, liên minh này liên tục chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền, thậm chí cáo buộc Bắc Kinh phạm “tội ác diệt chủng”. Ðáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tố cáo liên minh này chỉ chăm chăm “chống Bắc Kinh” và đe dọa “chọc mù mắt” Ngũ Nhãn.

Trên thực tế, New Zealand so với các đồng minh thì không thoải mái với việc mở rộng phạm vi hoạt động của Ngũ Nhãn, đặc biệt khi Bắc Kinh đang là đối tác thương mại lớn nhất của Wellington. Hồi tháng 1, hai bên đã nâng cấp một hiệp định thương mại tự do sau cuộc gặp được đánh giá “mang tính xây dựng”. Thời điểm đó, Wellington đồng thời từ chối ký tuyên bố chung của liên minh chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Tân Cương và Hong Kong. Ðến tháng 4, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta lại khiến dư luận xôn xao khi cho biết nước bà không ủng hộ việc dùng Ngũ Nhãn để gởi đi thông điệp về những vấn đề nằm ngoài vai trò của liên minh. Phát biểu tại Ủy ban xúc tiến quan hệ New Zealand - Trung Quốc, bà Mahuta xác định Ngũ Nhãn được thành lập cho các mục đích cụ thể và chỉ liên quan khuôn khổ về an ninh, tình báo. Vì lý do trên, bà nói rằng liên minh không cần thiết phải đưa ra phản ứng mỗi khi Trung Quốc phát sinh vấn đề.

Bài phát biểu của bà Mahuta nhận được ủng hộ từ Bắc Kinh, trong đó, Trung Quốc tuyên bố nước này sẵn sàng tăng cường đối thoại và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Wellington. Quan điểm của Ngoại trưởng người bản địa đầu tiên của New Zealand cũng thu hút chú ý lớn từ truyền thông và giới ngoại giao các quốc gia Ngũ Nhãn. Một số chính trị gia thậm chí chỉ trích Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern là “điểm yếu” của liên minh và dự đoán Ngũ Nhãn sớm còn lại 4 thành viên. Một số kênh truyền hình, báo chí ở Úc gần đây còn đặt câu hỏi liệu New Zealand có thể trở thành New Xi Land (một cách chơi chữ, tạm dịch: “Vùng đất mới của Tập Cận Bình”) vì muốn giữ chân đối tác thương mại lớn nhất mà bỏ qua quan hệ với đồng minh thân thiết hay không.

Năm ngoái, mâu thuẫn giữa Úc và Trung Quốc không ngừng nảy sinh sau khi Canberra đề nghị tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19. Từ thời điểm đó, Bắc Kinh không ngần ngại gia tăng căng thẳng với Úc, bất kể về chính trị, ngoại giao hay kinh tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 31-5 đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến cho rằng cách tiếp cận của New Zealand với Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho quan hệ giữa hai quốc gia châu Ðại Dương. “Úc và New Zealand là quốc gia thương mại, nhưng cả hai chúng tôi không bao giờ đánh đổi chủ quyền hoặc giá trị của mình” - Thủ tướng Morrison khẳng định sau cuộc hội đàm với bà Ardern. Củng cố quan điểm của người đồng cấp Úc, Thủ tướng Ardern đầu tuần này đã bác bỏ ý kiến nói rằng New Zealand không có lập trường mạnh mẽ trước “những vấn đề cực kỳ quan trọng” liên quan Trung Quốc. Bà cũng tái khẳng định New Zealand không có ý định rời Ngũ Nhãn, thay vào đó chỉ muốn xây dựng chính sách đối ngoại riêng.

Với tình hình hiện nay, các nhà quan sát cho rằng Thủ tướng Ardern đang đứng trước áp lực đảm bảo đoàn kết với các đối tác Ngũ Nhãn, đồng thời duy trì quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Vấn đề là không rõ sự cân bằng này có thể tiếp tục bao lâu khi Trung Quốc đang có dấu hiệu mất kiên nhẫn với Wellington, đặc biệt sau tuyên bố chung của lãnh đạo Úc- New Zealand về tình hình Hong Kong, Tân Cương và Biển Ðông mới đây.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand, tiêu thụ tới 29% lượng hàng xuất khẩu của nước này trong năm 2020.

MAI QUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết