01/05/2009 - 20:50

Nét đẹp trên đất cù lao

Khu vực Long Châu của phường Tân Lộc không chỉ nổi tiếng là mảnh đất đầu cồn “cây lành trái ngọt” mà nơi đây còn là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Trên đất cù lao này, chuyện góp tiền làm đường giao thông, giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn đến các hoạt động văn hóa, thể thao... đều được thực hiện rất tốt và trở thành nếp sinh hoạt bình thường của khu vực Long Châu.

* Chung sức xây dựng quê hương

Chúng tôi trở lại Tân Lộc vào một ngày tháng Tư. Cái nắng oi ả của mùa hè dường như dịu bớt dưới màu xanh rợp bóng cây. Chạy xe gắn máy bon bon trên tuyến đường của khu vực Long Châu, chúng tôi nhận thấy hệ thống đường giao thông khang trang, sạch đẹp nơi đây đã thay cho những con đường xuống cấp trước kia. Toàn bộ tuyến đường chính dài gần 3 km, rộng 3,5 m đã được đổ bê tông hoàn toàn, những cây cầu ván đã được thay thế bằng cầu đúc bê tông sạch đẹp, an toàn.

Những hộ khó khăn như bà Đỗ Thị Đẹt thường được mọi người quan tâm, giúp đỡ.  

Bà Lại Thị Ngận, Trưởng khu vực Long Châu, giới thiệu: “Toàn bộ công trình đường giao thông của khu vực được thực hiện trong năm 2008 theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ 1 tỉ đồng, còn nhân dân đóng góp gần 1 tỉ đồng”. Cán bộ và bà con khu vực kể lại: việc huy động nhân dân tham gia đóng góp làm đường được thực hiện công khai, dân chủ. Các cuộc họp lấy ý kiến dân, bà con đã thống nhất mức đóng góp của mỗi hộ là 800 ngàn đồng, những hộ nghèo thì được miễn và góp công lao động. Khi quyên góp, nhiều hộ khá giả đã tình nguyện đóng thêm phần cho những hộ nghèo hoặc đóng vượt mức qui định. Có những hộ đóng đến vài chục triệu đồng như hộ ông Đỗ Văn Bé đóng 40 triệu đồng, ông Đoàn Tấn Trình đóng 33 triệu đồng... Không chỉ người dân trong khu vực đóng góp, mà những người gốc ở Long Châu nay đã chuyển sang nơi khác sinh sống, thậm chí có bà con ngoài khu vực cũng nhiệt tình ủng hộ, giúp Long Châu làm lại con đường mới. Các cụ ở Chi hội Người cao tuổi của khu vực cũng tích cực động viên con cháu, vận động mạnh thường quân đóng góp sửa đường. Khi thi công còn được ông Nguyễn Văn Vui (còn gọi là Năm Ly), ở khu vực Tân Mỹ, huy động nhiều người làm đường giúp khu vực Long Châu mà không lấy tiền công. Theo kế hoạch mà UBND phường đã phê duyệt, thì chỉ nâng cấp đoạn đường từ bến phà Tân Lộc đến bến phà Trà Uối, nhưng sau khi hoàn thành xong kế hoạch, bà con nhiệt tình đóng góp để làm thêm đoạn đường hơn 800 m từ bến phà Trà Uối đến cuối khu vực.

Nhiều năm qua, Long Châu còn là khu vực tiêu biểu với “3 không”: không tội phạm, không ma túy, không mại dâm. Khu vực có 2 đội dân phòng phối hợp với công an, quân sự thường xuyên tuần tra, canh gác, cộng với tinh thần cảnh giác và sự góp sức của bà con nên tình hình an ninh trật tự luôn ổn định. Năm 2009 này, khu vực đăng ký “4 không” do phường phát động mà tiêu chuẩn thứ tư là “Không vi phạm Luật an toàn giao thông”. Chính quyền khu vực luôn thông báo, tuyên truyền, nhắc nhở tiêu chuẩn mới cho bà con, đưa vào nội dung sinh hoạt thường xuyên trong các cuộc họp tổ, hội, nhóm của khu vực để bà con nắm rõ. Công an và tổ văn hóa thông tin của khu vực đến từng hộ dân để phổ biến và phát biểu mẫu đăng ký thực hiện các tiêu chuẩn.

* Thấm đượm tình làng nghĩa xóm

Khu vực Long Châu là mảnh đất “đầu cồn” của cù lao Tân Lộc, khá rộng lớn, có 32 tổ tự quản với hơn 1.000 hộ dân sinh sống. Người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ vào chăn nuôi, trồng trọt và nghề tiểu thủ công nghiệp. So với nhiều nơi trên đất cồn, đời sống của nhân dân chưa phải là giàu nhưng tình cảm xóm giềng nơi đây đầm ấm, bà con rất tương thân tương ái và giúp đỡ nhau những lúc hữu sự. Ở Long Châu, rất nhiều những câu chuyện bà con giúp nhau làm nhà tình thương hay giúp đỡ những gia đình nghèo khó. Bà Đỗ Thị Đẹt, 69 tuổi, nuôi 2 cháu ngoại mồ côi, kể: “Vợ chồng con gái tôi chết cách đây mấy năm rồi, lúc đó 2 đứa con của tụi nó chưa được 10 tuổi. Nhờ bà con xóm giềng giúp đỡ, tôi mới lo được mai táng. Từ đó, bà con cũng hay giúp đỡ để bà cháu tôi sống qua ngày. Hai cháu đi học đều được miễn học phí, được thầy cô chiếu cố, bạn bè quan tâm. Có một người hàng xóm còn hỗ trợ tiền ăn cho các cháu tại trường là 2.000 đồng mỗi ngày”.

Trường hợp bà Đẹt chỉ là một trong những hộ nghèo của khu vực được chính quyền và bà con quan tâm, giúp đỡ. Ông Nguyễn Hồng Ni, Phó trưởng khu vực Long Châu, cho biết: “Hàng năm, vào dịp lễ, tết hay các ngày rằm lớn, những hộ mạnh thường quân thường gửi tiền, gạo, quà nhờ khu vực phân phát cho các hộ nghèo. Chỉ tính năm 2008, các mạnh thường quân đã ủng hộ được 6 triệu đồng và trên 3 tấn gạo cho người nghèo”.

Cảm động nhất là các cụ cao niên ở Chi hội Người cao tuổi của khu vực tích cực vận động bà con và mạnh thường quân đóng góp, gây quỹ giúp đỡ những hộ có tang ma. Gần chục năm nay, các cụ cứ đi vận động một quí một lần. Nhà nào trong khu vực có người qua đời, chi hội trích quỹ 1 triệu đồng để hỗ trợ gia đình trong việc mai táng và 50 ngàn đồng để mua trái cây, nhang đèn đến phúng điếu. Ông Đoàn Ngọc Châu, 79 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, nói: “Mất người thân là nỗi đau rất lớn nên chúng tôi muốn chia sẻ nỗi đau ấy với các gia đình. Việc làm này rất ý nghĩa, nên khi chúng tôi tổ chức vận động đã nhận được sự đóng góp nhiệt tình của bà con. Trung bình mỗi năm, khu vực có từ 28 đến 30 người qua đời, chi hội đều đến viếng và hỗ trợ tiền mai táng. Có những hộ khá giả không nhận mà nhường lại cho những hộ khó khăn hơn”.

* Biệt lập nhưng không buồn

Tuy cách biệt với đất liền nhưng các hoạt động vui chơi, giải trí ở Long Châu rất sôi động. Hoạt động thể dục thể thao nơi đây được thực hiện theo cách xã hội hóa. Ông Lê Hồng Đơn, một người yêu thích thể thao, đã cải tạo hơn 1.200 m2 đất vườn để làm sân bóng đá và sân bóng chuyền, tạo sân chơi cho người dân khu vực. Ba năm nay, sân bóng đá và sân bóng chuyền của ông Lê Hồng Đơn luôn tấp nập người chơi mỗi ngày. Ông Đơn cho biết: “Tôi đầu tư khoảng 23 triệu đồng để bơm cát làm sân, mua lưới, bóng... Đối với thanh thiếu niên đến chơi, tôi thu một ít tiền để bù lại chi phí đã bỏ ra, nhưng với đội bóng đá của người cao tuổi, tôi không thu phí”.

Sân bóng chuyền của khu vực Long Châu mỗi ngày đều tấp nập người chơi và cổ vũ. 

Các đội bóng đá, bóng chuyền của khu vực thường tổ chức thi đấu giao hữu với các đội khác trong phường hoặc các phường khác, thậm chí cả địa phương bên tỉnh Đồng Tháp. Khu vực còn có câu lạc bộ đờn ca tài tử khá mạnh, thường biểu diễn giúp vui trong các dịp lễ hội, văn nghệ hay đám tiệc. Theo bà con và cán bộ địa phương thì các hoạt động văn nghệ, thể thao đã tạo nên sân chơi bổ ích cho mọi người, làm đời sống tinh thần địa phương thêm phong phú,góp phần hạn chế những tệ nạn xã hội.

***

Từ năm 1997 đến nay, nhiều năm liền, Long Châu đạt danh hiệu “Ấp văn hóa” đến “Khu vực văn hóa” tiêu biểu của đất cù lao.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết