14/10/2011 - 15:07

Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm

Bác sĩ Ngô Thị Cúc Hương khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: H.V 

Việc chẩn đoán và phát hiện sớm các triệu chứng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ (KSKĐK) là một việc làm cần thiết, giúp chúng ta chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Để giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về những lợi ích của việc KSKĐK, bác sĩ Ngô Thị Cúc Hương, Trưởng khoa Khám Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khuyến cáo:

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Có một sức khỏe tốt thì tinh thần mới minh mẫn và làm việc hiệu quả. KSKĐK được các chuyên gia y tế nhận định là một việc làm khoa học, có trách nhiệm với sức khỏe và tính mạng mỗi người. Tuy nhiên, cho đến nay, vì chưa nhận thức được những lợi ích của việc KSKĐK cũng như tâm lý lo ngại bệnh nên phần lớn người dân chỉ đến cơ sở khám chữa bệnh khi có triệu chứng bệnh. Có nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã ở thời kỳ cuối hoặc đã có biến chứng phức tạp, khó chữa gây mất nhiều thời gian, tốn kém tiền bạc. Do vậy, dù cảm thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh thì mọi người vẫn nên thực hiện việc KSKĐK, với mục đích duy nhất là phòng và phát hiện bệnh sớm. Đối với những người còn trẻ, KSKĐK nhiều khi chỉ là để phát hiện các bệnh thông thường như: viêm gan siêu vi, thiếu máu, đo huyết áp... Còn với những người lớn tuổi hơn thì cần những thăm dò quan trọng hơn như: đo lượng đường trong máu, nồng độ mỡ trong máu, chức năng gan, chức năng thận, đo điện tâm đồ, chụp X-quang phổi, soi trực tràng,...

Lợi ích của việc KSKĐK là giúp bạn phát hiện sớm những bệnh lý còn tiềm ẩn, các rối loạn về sức khỏe trước khi chúng bắt đầu hoặc ở giai đoạn rất sớm của bệnh. Ngoài ra, KSKĐK còn giúp tầm soát một số bệnh lý có nguy cơ cao theo nhóm tuổi; đồng thời, qua KSKĐK, các bác sĩ có thể tư vấn về các phương pháp bảo vệ sức khỏe như thay đổi chế độ ăn uống; thói quen sinh hoạt, làm việc; cải tạo môi trường sống; luyện tập thể dục thể thao... cũng như cách theo dõi, phương pháp điều trị trong trường hợp mắc bệnh.

Trong khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ thường có: khám tổng quát, đo huyết áp, chỉ số BIM để xem cân nặng; khám chuyên khoa: nội tổng quát, ngoại tổng quát, mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, sản phụ khoa; xét nghiệm huyết đồ, đường máu, mỡ máu, chức năng gan, thận, nước tiểu, chụp tim phổi, siêu âm tổng quát, đo điện tâm đồ. Thông thường, để đánh giá sức khỏe tổng quát, chỉ cần làm các xét nghiệm thường quy là đủ. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể hoặc khi bạn có nhu cầu kiểm tra thêm mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám, tư vấn cho bạn thực hiện những kỹ thuật, xét nghiệm cần thiết như: đo điện tim, siêu âm tim giúp phát hiện những bệnh lý tim mạch; đo mật độ xương để phát hiện loãng xương sớm; phết tế bào âm đạo tầm soát ung thư cổ tử cung; thử máu phát hiện nhiễm siêu vi viêm gan A, B và C; thử PSA để giúp phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới; siêu âm nhũ giúp phát hiện sớm ung thư vú ở nữ giới và các xét nghiệm chuyên sâu khác;... Ở mỗi lứa tuổi, mỗi giới tính lại thường hay mắc một số nhóm bệnh khác nhau. Do đó, khi đi KSKĐK, để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc, tốt nhất là nên chọn gói khám bệnh hợp lý. Với các gói khám bệnh này, các khám nghiệm lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng sẽ tập trung hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ trong công tác khám và điều trị. Để đạt hiệu quả cho mỗi lần khám, bạn nên chuẩn bị trước về những gì cần thông báo cho các bác sĩ, như: tiền sử bệnh của bản thân; lịch sử bệnh của gia đình; những thuốc chữa bệnh thường dùng hoặc để bổ sung vitamin, chất khoáng, những phản ứng với thuốc; đã tiêm chủng những bệnh gì; những vấn đề lo lắng, băn khoăn cần được bác sĩ giải đáp;...

Một số điểm cần lưu ý khi đi KSKĐK, như: trước khi đi khám, nên nhịn đói và uống nước lọc để xét nghiệm máu chính xác; không mặc quần áo quá chật khi đo huyết áp, lấy máu và chụp X-quang ngực; không mang đồ trang sức vì sẽ làm cho hình ảnh chụp không rõ ràng; tránh lo âu, căng thẳng sẽ làm huyết áp cao làm cho việc chẩn đoán không chính xác;... và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ sau khi nhận được kết quả.

KSKĐK có thể khác nhau về thời gian, cách thăm khám, các xét nghiệm đi kèm tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, tiền sử bệnh tật của bản thân,... Tuy nhiên, tốt nhất là nên đi KSKĐK mỗi năm một lần. Đối với những người làm việc nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại, những người cao tuổi, nên đi KSKĐK ít nhất 6 tháng 1 lần để kiểm tra tình hình sức khỏe.

HỒNG VÂN (ghi)

Chia sẻ bài viết