21/04/2021 - 10:45

Nên ăn gì trước và sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19? 

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất hiện tại để phòng tránh nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Song, có rất nhiều thắc mắc được đặt ra liên quan đến việc tiêm phòng, chẳng hạn như các tác dụng phụ có thể xảy ra và những thực phẩm nên ăn trước và sau khi tiêm.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý vừa giúp tăng cường khả năng miễn dịch vừa giảm tác dụng phụ khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Theo Tiến sĩ Uma Naidoo-  chuyên gia tâm lý dinh dưỡng tại Đại học Harvard (Mỹ), quan tâm đến chế độ dinh dưỡng khi chuẩn bị tiêm vaccine là điều rất quan trọng để giúp giảm nguy cơ gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào. Dưới đây là 5 nhóm thực phẩm bà Naidoo khuyến nghị nên tiêu thụ trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19:

+ Rau lá màu xanh đậm (như cải bó xôi, cải xoăn và bông cải xanh). Đây là loại rau chứa hàm lượng siêu cao các chất chống ôxy hóa có công dụng kháng viêm mạnh nên cũng giúp đẩy lùi nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm.

+ Canh hầm hoặc súp. Đường ruột đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, bao gồm cả phản ứng miễn dịch của cơ thể. Do đó, một yếu tố quan trọng để tăng cường khả năng miễn dịch là phải nuôi dưỡng đường ruột khỏe mạnh. Theo gợi ý của chuyên gia Naidoo, những món canh/súp chứa các loại rau đầy màu sắc, giàu chất xơ và các gia vị kháng viêm có ích cho sức khỏe đường ruột.

+ Hành và tỏi. Không chỉ có công dụng tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, hai gia vị này cũng cung cấp nhiều lợi khuẩn probiotic cho đường ruột, từ đó tăng cường khả năng miễn dịch.

+ Nghệ. Loại gia vị này vừa là chất chống viêm mạnh mẽ, vừa giúp bảo vệ não bộ khỏi tình trạng căng thẳng tinh thần.

+ Việt quất. Ăn trái việt quất giúp bổ sung các chất chống ôxy hóa đồng thời tăng cường nồng độ serotonin, chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến nhiều quá trình sinh học trong cơ thể.

Nhiễm COVID-19 có thể làm tổn thương gan

Nhân Ngày Gan Thế giới, Tiến sĩ Arvind Sahni, Giám đốc Tiêu hóa và Gan mật, Bệnh viện Fortis Mohali (Ấn Độ) mới đây cảnh báo rằng nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương gan, cũng như khiến tình hình sức khỏe của những người mang sẵn bệnh gan chuyển biến xấu thêm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Do đó, người mắc bệnh gan cần được đưa vào nhóm phải được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Được biết, gan là nội tạng lớn nhất trong cơ thể và thực hiện hàng trăm chức năng trao đổi chất cần thiết cho sự sống. Nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh lý về gan. Trong đó, virus gây viêm gan A và E lây nhiễm qua đường ăn uống và gây tổn thương gan cấp tính. Còn virus gây viêm gan B và C lây truyền qua đường máu và có thể gây tổn thương lớp niêm mạc gan vĩnh viễn như ở bệnh xơ gan và ung thư gan. Cho nên, người nhiễm virus viêm gan B và C cần được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp.

Chuyên gia Sahni cho biết thêm rằng thực hiện tầm soát và phát hiện sớm là cách duy nhất để điều trị viêm gan, bệnh lý được xem là “sát thủ thầm lặng”. Bởi vì tổn thương gan ở dạng viêm gan mãn tính do virus thường tiến triển thầm lặng mà không biểu hiện triệu chứng cho đến khi đã sang giai đoạn cuối, như ung thư gan hoặc xơ gan. Bên cạnh đó, việc tuân thủ một lối sống lành mạnh và tránh dùng bia rượu quá mức cũng giúp bảo vệ gan. “Gan của chúng ta bị ảnh hưởng bởi lối sống. Tiêu thụ nhiều rượu có thể gây ra xơ gan do rượu, còn tiêu thụ thực phẩm béo và hàm lượng calo cao có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu” - Tiến sĩ Sahni nói thêm. Vàng da là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh gan nhưng nó có thể xuất hiện muộn hơn trong một số trường hợp nhất định, dẫn đến việc chẩn đoán bị chậm trễ.

AN NHIÊN (Theo Indian Express)

Chia sẻ bài viết