09/10/2011 - 21:16

Nên ăn các loại dưa ngay sau khi xẻ

Từ đầu tháng 9 đến ngày 6-10-2011, ước tính có 102 người nhiễm bệnh, 20 người tử vong do ngộ độc thực phẩm vi khuẩn Listeria từ loại dưa đỏ (cantaloupe) của Mỹ. Liệu dưa hấu của Việt Nam có nguy cơ ô nhiễm loại vi khuẩn này không? Phóng viên Báo Cần Thơ trao đổi với ông Đàm Hồng Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Cần Thơ, về vấn đề trên.

- Như chúng ta đã biết trong tuần qua, trên mạng internet nước ngoài và báo chí trong nước liên tiếp đưa tin về sự cố ngộ độc thực phẩm do ăn dưa đỏ (cantaloupe) bị nhiễm vi khuẩn Listeria tại Mỹ. Các từ ngữ như dưa đỏ, dưa vàng, dưa lưới, dưa thơm... là chỉ chung nhóm dưa cantaloupe, thuộc giống cucumis, loại trái cây hình tròn hoặc bầu dục, vỏ xù xì với các đường rãnh hình mắt lưới, ruột màu vàng hoặc màu cam ửng hồng, phần lõi giống như loại bí đỏ (bí rợ). Nhân đây cũng cần nói rõ, loại dưa này thường được trồng tại các nước thuộc Bắc Mỹ, nó hoàn toàn khác với dưa hấu của Việt Nam (watermelon), thuộc giống citrullus.

* Thưa ông, tại sao loại dưa đỏ này dễ nhiễm khuẩn và cơ chế lây nhiễm mầm bệnh như thế nào?

Nước ép từ dưa đỏ là sản phẩm ưa thích của người Mỹ.

- Sở dĩ loại dưa đỏ này dễ nhiễm vi khuẩn Listeria nói riêng và các loại vi khuẩn nói chung, là do phần vỏ ngoài xù xì, thô ráp nên vi sinh vật dễ lây nhiễm từ môi trường ở nơi trồng trọt; ngoài ra người Mỹ thích ăn loại dưa này dưới hình thức chế biến sẵn hoặc trữ trong tủ lạnh dùng vài ngày. Trong quá trình xẻ dưa, vô bao bì (thường được bán tại các siêu thị), vi khuẩn dễ có điều kiện lây nhiễm vào phần thịt của dưa. Loại vi khuẩn Listeria monocytogenes rất thích môi trường có chất đạm, chất đường từ thực phẩm chế biến như sữa, phô mai, xốt thịt, rau quả... Ở nhiệt độ từ 4 độ - 20 độ C là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn này phát triển nhanh chóng. Còn một yếu tố nữa đó là từ vài năm qua, người dân Mỹ- nhất là cánh “mày râu” bỗng nhiên “sính” loại dưa cantaloupe này, vì có nhiều thông tin cho rằng, trong quả dưa đỏ (kể cả dưa hấu) có nhiều chất citrulline, chất này khi chuyển hóa thành chất nitric oxide có tác dụng chống oxy hóa, tăng tuần hoàn máu, giải độc gan và đặc biệt là có khả năng tăng cường sinh lý và cương dương!

* Liệu các loại dưa hấu nói riêng và rau quả nói chung của Việt Nam có nguy cơ nhiễm loại vi khuẩn trên?

- Theo ý kiến cá nhân, do cấu tạo của quả dưa hấu Việt Nam chúng ta có vỏ bóng láng nên điều kiện vi khuẩn trú ngụ và sinh sôi ở loại trái cây này là rất thấp; hơn nữa tập quán bà con ta thích ăn ngay sau khi xẻ dưa, nên yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn là không đáng kể. Tuy nhiên, đối với các loại rau có bề mặt không được nhẵn, hoặc có lông tơ như cải bẹ dún, cải bắp, rau tía tô, lá mơ, rau diếp... hoặc trái cây có vỏ xù xì như chôm chôm, dâu tây, trái khổ qua... thì rất dễ nhiễm vi khuẩn và trứng ký sinh trùng.

* Qua sự cố trên, ông có khuyến cáo gì?

- Theo tôi nghĩ đối với rau cải, trái cây nói chung là loại có nhiều thành phần dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, do có nhiều thành phần vitamin, chất khoáng, chất chống oxy hóa, đặc biệt là loại có màu đậm, như dưa hấu, bí đỏ, nho, táo, hồng... các loại rau dền, rau mồng tơi, rau muống... thì nên khuyến khích sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, khi sử dụng cần sơ chế sạch sẽ, rửa thật kỹ dưới vòi nước sạch với áp lực mạnh; đối với trái cây nên lột vỏ hoặc gọt vỏ trước khi ăn. Riêng các loại dưa (dưa hấu, dưa gang...) nên ăn ngay sau khi xẻ, không nên trữ trong tủ lạnh để dùng dần.

* Xin cảm ơn ông!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết