19/08/2008 - 09:16

NATO sẽ "trừng phạt" Nga ?

Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer gần đây có những chỉ trích mạnh mẽ đối với Nga. Ảnh: AP

Theo đề nghị của Mỹ, hôm nay 19-8, các ngoại trưởng 26 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp bất thường tại Brussels (Bỉ) nhằm thể hiện sự ủng hộ của khối quân sự này đối với Gruzia trong cuộc xung đột với Nga. Trước đó, NATO tuyên bố sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia, đồng thời thúc giục Mát-xcơ-va tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn với Tbilisi, được ký kết qua sự trung gian của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc tấn công Gruzia của Nga hôm 7-8 là thông điệp cho thấy “gấu Nga đang trở lại và rất mạnh mẽ”. Mục tiêu thật sự của Nga trong cuộc chiến vừa qua là nhằm đảm bảo tầm ảnh hưởng của mình ở vành đai năng lượng Caspie, đồng thời cảnh cáo tham vọng mở rộng của NATO. Trong bối cảnh đó, NATO, vốn được thành lập để đối phó với khối Hiệp ước Vác-xa-va do Nga đứng đầu trong thời Chiến tranh lạnh, buộc phải “làm một cái gì đó” nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Nga. Do vậy, đối đầu giữa Nga và NATO là không thể tránh khỏi.

Trước mắt, Hội đồng Nga-NATO (NRC) có nguy cơ đổ vỡ. Được thành lập tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Roma (Ý) năm 2002, NRC từng được Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer ca ngợi như một “diễn đàn đàm phán hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề chính trị phức tạp”. NRC cũng giúp Nga và NATO hợp tác với nhau qua các cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, kế hoạch “đánh trận giả” giữa Mỹ, Canada và Nga dự kiến vào ngày 20-8 tới đã bị hủy bỏ. Đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker cho biết sẽ yêu cầu các nước thành viên NATO xem xét việc đóng băng NRC. Ngoài ra, phương Tây còn dọa sẽ cản trở việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rút lại lời mời Nga tham gia Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), loại Nga ra khỏi nhóm G8...

Tuy nhiên, nội bộ NATO đang bất đồng sâu sắc, giữa một bên là Mỹ-Anh và bên kia là Đức-Pháp, xung quanh các biện pháp “trừng phạt” Nga. Đức và Pháp không đồng tình với cách tiếp cận cứng rắn do lo ngại điều đó làm tổn hại đến quan hệ thương mại cũng như nguồn cung cấp dầu khí từ Nga.

Việc Nga tấn công Gruzia, quốc gia đang ngấp nghé vào NATO, cho thấy NATO không thể không xem xét lợi ích của Nga khi mở rộng khối này; nếu không, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Vì thế mà sau khi tuyên bố ủng hộ Gruzia gia nhập NATO, cuối tuần rồi, Thủ tướng Đức Angela Merkel lập tức nói lại rằng còn quá sớm để trao Kế hoạch hành động thành viên (MAP, bước đầu tiên để kết nạp vào NATO) cho Gruzia và Ukraina, bất chấp Mỹ muốn đẩy nhanh quá trình này.

Do vậy, các nhà phân tích cho rằng cuộc họp cấp ngoại trưởng vào hôm nay có lẽ chỉ là nhằm an ủi, động viên Gruzia, chứ NATO khó có thể vì đồng minh nhỏ bé này mà đưa ra những “biện pháp mạnh” chống Mát-xcơ-va, kể cả việc gởi các quan sát viên quân sự tới Gruzia theo yêu cầu của Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili. Sự thật sẽ như thế nào? Chờ xem!

N.MINH (Theo IHT, CSM, The Times)

Chia sẻ bài viết