09/12/2022 - 08:12

NATO chưa hết “đau đầu” với Thổ Nhĩ Kỳ 

MAI QUYÊN (Theo WP)

Sau nhiều tháng chờ đợi, các quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) bắt đầu công khai gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ - nước thành viên còn lại chưa ấn định ngày phê chuẩn hồ sơ gia nhập của Phần Lan và Thụy Ðiển.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái), cùng hai người đồng cấp Thụy Ðiển Tobias Billstrom và Phần Lan Pekka Haavisto trong phiên họp của Hội đồng Bắc Ðại Tây Dương. Ảnh: Getty Images

Hồi tháng 5, Phần Lan và Thụy Ðiển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo quy định, kết nạp thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả quốc gia NATO. Với 28/30 nước thành viên đã phê chuẩn, cả hai hiện trông đợi Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua nốt hồ sơ gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Trong tín hiệu tích cực, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuần rồi cho biết sẽ sớm đưa vấn đề này ra thảo luận trước Quốc hội. Giới quan sát dự đoán nhiều khả năng Budapest sẽ “bật đèn xanh” khi đảng của Thủ tướng Orban chiếm tới 2/3 số ghế trong cơ quan lập pháp. Như vậy chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ. Ban đầu, Ankara phản đối với cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu là nơi chứa chấp nhiều tổ chức khủng bố. Vào tháng 6, chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thay đổi quan điểm, ủng hộ có điều kiện việc kết nạp Helsinki và Stockholm sau khi đã đạt thỏa thuận riêng.

Nhưng đến nay, vẫn chưa có sự chắc chắn về thời điểm Tổng thống Erdogan ký các văn bản chính thức chấp thuận Phần Lan và Thụy Ðiển gia nhập NATO. Cách đây vài ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đưa ra điều kiện đối với Phần Lan.

NATO sắp hết kiên nhẫn

Ðây không phải lần đầu tiên mâu thuẫn chính trị khiến kế hoạch mở rộng NATO bị trì hoãn. Nhưng sự chậm trễ từ Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra lo ngại nhiều hơn giữa thời điểm an ninh châu Âu có nhiều biến động. Nó còn làm nổi bật việc chỉ một thành viên cũng có thể làm sa lầy các ưu tiên an ninh của NATO.

Trên thực tế, Thụy Ðiển và Phần Lan có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với NATO khi các bên thường xuyên tập trận chung dựa trên hiệp định Ðối tác vì hòa bình (PPP). Nếu gia nhập, Stockholm và Helsinki được dự đoán tăng cường đáng kể sức mạnh không quân và khả năng răn đe của NATO ở phía Bắc. Diễn biến này đồng thời tạo mặt trận mới cho liên minh gây sức ép lên Nga khi tăng gấp đôi đường biên giới trên bộ giữa nước này với các lãnh thổ thuộc NATO.

Trong nỗ lực dọn đường cho hai quốc gia Bắc Âu, học giả Gonul Tol tại Viện Trung Ðông có trụ sở ở Washington cho biết, phương Tây bắt đầu gia tăng áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ khi các quan chức không muốn Ankra sử dụng “lá bài gia nhập NATO” để đạt nhượng bộ trong những vấn đề khác. Ðiều này được phản ánh qua chuyến thăm Istanbul của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng rồi. Theo đó, ông Stoltenberg trong bài phát biểu cùng Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rõ Phần Lan - Thụy Ðiển đã làm tốt các thỏa thuận và đến lúc chào đón họ với tư cách thành viên đầy đủ của NATO. “Quan trọng hơn là ở thời điểm nguy hiểm như hiện nay, hoàn tất tiến trình kết nạp giúp ngăn chặn bất hòa hoặc việc Nga có tính toán sai lầm” - ông Stoltenberg nói thêm.

Mỹ tiến thoái lưỡng nan

Việc Thổ Nhĩ Kỳ khiến NATO chờ đợi cũng đặt Mỹ vào thế khó khi Washington đang tìm cách duy trì liên minh “thân Ukraine”, vốn bị thử thách bởi giá năng lượng cao và chia rẽ chính trị trong nước. Nó đồng thời phơi bày sự phức tạp của mối quan hệ Mỹ - Thổ khi Ankara vừa cho thấy vai trò quan trọng trong cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng vừa tăng cường quan hệ kinh tế với Nga và đe dọa quân đội Mỹ ở Trung Ðông bằng các cuộc tấn công vào miền Bắc Syria.

Hồi tháng 8, Mỹ đã phê chuẩn hồ sơ đăng ký gia nhập NATO của Helsinki và Stockholm. Nhưng để tránh bị lôi kéo vào cuộc thảo luận gai góc về mối quan hệ với Ankara, các quan chức Mỹ thừa nhận cách tiếp cận dài hạn đối với những tranh luận trong NATO về việc có thêm 2 nước Bắc Âu. Tuy Washington thể hiện rõ quan điểm đứng ngoài cuộc, học giả Soner Cagaptay tại Viện Washington về Chính sách Cận Ðông cho rằng để các bên nhượng bộ sẽ cần đến sự can thiệp từ Nhà Trắng vào phút cuối. Hiện có nhiều đồn đoán ông Erdogan sẽ trì hoãn ra quyết định cho tới trước cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm tới như một bước chứng minh quan điểm của nước này, qua đó tối đa hóa lợi ích chính trị từ tiến trình hòa giải với Phần Lan và Thụy Ðiển.

Chia sẻ bài viết