23/04/2024 - 08:23

Nắng nóng “thiêu đốt” Ðông Nam Á 

Chính phủ các nước trong khu vực đang nỗ lực ứng phó trước “đợt nắng nóng lịch sử” xảy ra trên khắp Ðông Nam Á. Theo giới chuyên môn, xu hướng này là “không thể tránh khỏi” và thời tiết khắc nghiệt sẽ còn kéo dài khi đây là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.

Công nhân làm việc tại nhà máy tái chế thép ở ngoại ô Bangkok (Thái Lan) trong đợt nắng nóng tồi tệ nhất lịch sử. Ảnh: Washington Post

Ảnh hưởng lan rộng

Hồi tháng 3, Malaysia ghi nhận ít nhất 2 ca tử vong do nắng nóng, bao gồm một thanh niên 22 tuổi và bé trai mới biết đi. Sự việc làm dấy lên mối quan tâm đặc biệt trên khắp nước này về nguy cơ mắc các bệnh liên quan khí hậu. Ðể hạ nhiệt, Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia và lực lượng vũ trang Malaysia đã xem xét làm mưa nhân tạo ở một số khu vực. Ðây là quá trình trong đó các chất hóa học được cấy vào các đám mây để tăng lượng mưa trong môi trường khan hiếm nước. Nhà chức trách còn có kế hoạch giám sát 650 điểm nóng trên toàn quốc để ngăn cháy rừng bùng phát.

Cùng tuần đó, Việt Nam đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi nhiệt độ ở miền Nam cao bất thường lên tới 40oC khiến nhiều cánh đồng lúa khô hạn. Một số vùng tại Campuchia, Lào cũng chịu đựng nhiệt độ 40oC. Ðặc biệt ở thị trấn Minbu thuộc miền Trung Myanmar, khu vực này có thời điểm ghi nhận nhiệt độ lên tới 44oC. Ðây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khí hậu Ðông Nam Á, một trạm khí tượng đo được mức nhiệt độ cao như trên vào thời điểm sớm thế này trong năm.

Còn ở Philippines, nhiệt độ hàng ngày ở một số nơi vào đầu tháng 4 đã vượt quá 42oC, mức nguy hiểm mà cơ quan thời tiết cảnh báo có thể gây chuột rút và kiệt sức vì nóng. Trang tin Guardian cho biết Bộ Giáo dục Philippines sau đó cho phép gần 4.000 trường học tạm đóng cửa hoặc dạy từ xa. Cơ quan này còn có kế hoạch chuyển năm học trở lại khung thời gian từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau khi nhiều giáo viên cho biết họ bị chóng mặt, đau đầu còn học sinh không thể tập trung và tệ nhất là gặp các vấn đề về sức khỏe như chảy máu cam. Trong khi ở Singapore, một số trường học không buộc học sinh mặc đồng phục mà cho phép mặc đồ thể dục rộng rãi, mát mẻ hơn từ cuối tháng 3.

Riêng Thái Lan bị cho ảnh hưởng nặng nề nhất với mức nóng bức và độ ẩm không ngừng tăng lên trong 13 tháng qua. Theo các nhà chức trách, nhiệt độ ở nước này có thể lên tới 43oC-44,5oC trong tháng 4. Nhiệt độ ở nhiều vùng biển Thái Lan đang cao đến mức các nhà khoa học lo ngại tình trạng tẩy trắng san hô có thể diễn ra. Nước nóng còn đe dọa các trang trại cá địa phương và có nguy cơ đẩy người chăn nuôi rơi vào cảnh nợ nần.

Cùng với Thái Lan, thời tiết cực đoan gây thiếu nước trầm trọng và kéo giảm năng suất cây trồng, lương thực cũng đe dọa sinh kế của nông dân nhiều quốc gia trong khu vực. Trước nỗi lo thiếu gạo do khô hạn, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho quân đội hỗ trợ nông dân trồng lúa từ tháng 12-2023.

Mưa lớn gây lũ lụt tại miền Nam Trung Quốc.

Nắng nóng do đâu?

Là nơi sinh sống của hơn 675 triệu người thuộc 11 quốc gia khác nhau, Ðông Nam Á ngay từ đầu hè năm 2024 đã chứng kiến ​​nhiệt độ cao ở mức chưa từng thấy với khoảng cách giữa các đợt nắng hạn đang rút ngắn hơn so với trước đây. Tình trạng thời tiết cực đoan trở lại khu vực sau cảnh báo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), rằng Ðông Nam Á bị ảnh hưởng bởi điều kiện nắng nóng khắc nghiệt khi nhiệt độ thường xuyên tăng vọt lên trên 30oC vào tháng 2, cao hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa.

Theo các nhà khoa học, nắng nóng bất thường ở khu vực là hệ quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra cũng như tác động của El Niño, hiện tượng thời tiết xảy ra khi lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương nóng lên dị thường. Tuy nhiệt độ trung bình ở khu vực vẫn tăng lên theo mỗi thập kỷ kể từ năm 1960, các chuyên gia cho biết vấn đề đáng lo nhất là những đợt nắng nóng chết người dần trở nên thông thường, biến các đô thị thành “bẫy nhiệt” và làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của nhiệt độ cao đến sức khỏe.

Trong năm nay, các nhà khoa học cảnh báo làn sóng nhiệt ở Ðông Nam Á có thể kéo dài mà chưa xác định được ngày “hạ nhiệt”. Bởi điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố như mô hình thời tiết, cũng như nỗ lực giải quyết của chính phủ các nước.

Trong một chia sẻ, Giám đốc Benjamin Horton tại Ðài quan sát Trái đất của Singapore (EOS) cho biết mức nhiệt mà toàn cầu trải qua trong 12 tháng qua (cả ở đất liền và trên đại dương) đã khiến giới khoa học ngạc nhiên. “Chúng tôi luôn biết rằng thế giới sẽ đi theo hướng này với lượng khí nhà kính ngày càng tăng, nhưng chúng ta đã phá vỡ tất cả những kỷ lục khí hậu vào năm 2023 và 2024 có lẽ còn tệ hơn” - Giáo sư Horton cảnh báo.

Cảnh báo “stress nhiệt” gia tăng ở châu Âu

Châu Âu sẽ ngày càng hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu đựng được do biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu gia tăng. Đây là một phần nội dung báo cáo mà Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 22-4.

Báo cáo cho biết châu Âu đang nóng lên nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu, đồng thời dự báo trong tương lai, các đợt nắng nóng sẽ kéo dài với cường độ mạnh hơn. Cùng với tình trạng dân số già hóa và việc người dân di chuyển đến sinh sống ở các thành phố, tình trạng nắng nóng gia tăng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), “stress nhiệt”, hay căng thẳng do nhiệt gây ra đối với cơ thể, là nền nhiệt độ cao hơn mức cơ thể có thể chịu đựng được mà không ảnh hưởng xấu đến sinh lý. Hiện tượng này thường xảy ra ở nhiệt độ trên 35°C và trong môi trường có độ ẩm cao. Tuy nhiên, stress nhiệt có thể gây ra những rủi ro đối với sức khỏe con người nếu chịu đựng trong một thời gian dài, đặc biệt đối với những người lao động ngoài trời như công nhân, người cao tuổi và những người có bệnh nền như tim mạch và tiểu đường.

Khí hậu ngày càng khó lường

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tuần rồi đã chứng kiến trận mưa bão lớn nhất trong ít nhất 75 năm, với lượng mưa 24 giờ tương đương hơn một năm. Các chuyến bay bị hoãn, nhiều ngôi nhà bị rò rỉ, mất điện, cơn bão đã khiến phần lớn đất nước rơi vào tình trạng bế tắc và gây ra thiệt hại đáng kể. Trước nay, mưa bão là điều rất hiếm ở UAE và nhiều khu vực khác trên bán đảo Arab, nơi được biết đến với khí hậu sa mạc khô hạn. Nhiều người cho rằng lượng mưa lớn có thể là do thời tiết bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu. Song, vẫn có nhiều nghi vấn cho rằng việc làm mưa nhân tạo có thể đã gây ra hiện tượng vừa rồi.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết