Chú Nguyễn Lợi Đức, còn gọi là chú Sáu Đức, chủ Farm chuối Sáu Đức ở ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là một nông dân năng động khi linh hoạt chuyển đổi từ lúa sang trồng chuối cấy mô và thực hiện luân canh phù hợp giữa trồng lúa và trồng chuối. Đặc biệt, vườn chuối của chú không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Vườn chuối cấy mô của chú Sáu Đức được trang bị máy bay không người lái để cơ giới hóa khâu bón phân, phun xịt thuốc.
Ban đầu chú Sáu Đức lập nghiệp ở vùng đất Lương An Trà, huyện Tri Tôn với nghề kinh doanh phân bón. Đến năm 1996-1997, chú mua thêm 3ha đất để canh tác lúa. Nhờ kinh nghiệm chuyên bán phân bón cho nông dân, chú Đức cũng dần dà học hỏi được kinh nghiệm trồng lúa.
Với sự tâm huyết với cây lúa, chú Sáu Đức tiếp tục nghiên cứu tài liệu làm lúa trên vùng đất phèn để áp dụng vào ruộng lúa của mình. Lúc bấy giờ trong số 3ha trồng lúa chỉ có vài công bị ảnh hưởng phèn làm giảm năng suất nên chú nghĩ đây không phải là vùng đất chết, chỉ là nông dân chưa biết cách khai thác mà thôi.
Năm 1996 cũng là thời điểm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định đào kênh T5 để mang nước ngọt rửa phèn cho vùng đất An Giang và một số tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ. Nhìn thấy tiềm năng của vùng đất này, chú Sáu Đức mạnh dạn đầu tư mua lại đất từ các hộ dân làm lúa không hiệu quả để mở rộng thêm diện tích và dần dà nâng diện tích đất canh tác của gia đình lên đến 65ha.
Sau thời gian gắn bó với cây lúa và nhận thấy giá lúa bấp bênh, chú Đức nhiều lần chuyển đổi một phần diện tích sang trồng các loại cây ăn trái để đa dạng cơ cấu cây trồng. Qua tìm tòi các loại cây đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, thích nghi với vùng đất An Giang, từ năm 2015-2016 chú Đức quyết định chọn trồng cây chuối cấy mô. Chú cũng tích cực tham quan các vườn trồng chuối cấy mô ở Cần Thơ, Long An..., học tập kinh nghiệm và tìm mua cây giống nguyên chủng từ Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.
Theo chú Đức, với mỗi héc-ta trồng lúa cần đầu tư từ 20-25 triệu đồng/vụ. Trong khi đầu tư cho vườn chuối ban đầu khoảng 300-350 triệu đồng/ha. Sau khi đầu tư, vườn chuối sẽ cho thu hoạch kéo dài từ 4-5 năm. Mỗi héc-ta chú Đức trồng khoảng 2.200 cây chuối, mỗi cây cho thu hoạch bình quân 25kg.
Mỗi héc-ta chuối cần có 1,5 nhân công lao động công nhật chăm sóc vườn thường xuyên. Đến vào vụ thu hoạch, mỗi ngày cần 3 người tham gia thu hoạch tại vườn. Khi vườn thu hoạch rộ sẽ cần khoảng 24-25 người/ngày làm việc tại xưởng để đảm nhiệm khâu sơ chế, đóng gói, vệ sinh chuối, chuyển vào container xuất khẩu.
Chú Sáu Đức (đứng giữa) giới thiệu về quy trình, kỹ thuật chăm sóc vườn chuối cấy mô.
Chú Sáu Đức chia sẻ: Những năm nào luân phiên đất trồng chuối sang trồng lúa để cải tạo đất, thu nhập từ cây lúa có thể dao động từ 30-50 triệu đồng/ha tùy từng vụ. Nếu năm nào trúng mùa trúng giá có thể đạt lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha, nếu không đạt thì chỉ lời từ 20-30 triệu đồng/ha.
Với vườn chuối, nếu ký hợp đồng bao tiêu quanh năm, giá bao tiêu bình quân khoảng 9.000 đồng/kg. Mỗi héc-ta cho thu hoạch từ 45-50 tấn chuối. Năm đầu tiên chỉ thu hoạch được 1 vụ chuối nên cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha. Từ năm thứ hai vườn chuối có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm và mang lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi héc-ta trồng chuối cấy mô sẽ thu lợi nhuận trên dưới 200 triệu đồng/năm.
Thông thường, mỗi 4-5 năm tương ứng với từ 9-10 vụ thu hoạch chuối, chú Đức sẽ chuyển diện tích trồng chuối sang trồng 1 năm 3 vụ lúa để cải tạo đất. Sau 3 vụ lúa này sẽ quay lại trồng chuối. Chú Đức cho biết: Cây chuối cấy mô cho năng suất cao nhất là khi cây con bước vào giai đoạn F2-F4. Lúc này, cây chuối phát triển mạnh và cho thu hoạch từ hơn 30-50kg, đạt 12-14 nải.
Với giá thị trường thu mua bình quân từ 9.000 đồng/kg là đảm bảo nhà vườn sẽ có lời sau khi đã trừ đi phần chi phí đầu tư chăm sóc vườn chuối. Với diện tích trồng chuối lên đến 65ha, cách đây gần 3 năm, chú Đức đã đầu tư một chiếc máy bay không người lái với giá 590 triệu đồng để bón phân, phun xịt thuốc cho vườn chuối. Qua đó giúp giảm tình trạng hao hụt phân thuốc cũng như tiết kiệm nhân công chăm sóc vườn.
Bên cạnh đó, chú còn đầu tư nhà xưởng để phục vụ phân loại, đóng thùng khi vườn chuối bước vào vụ thu hoạch. Theo chú Đức, trên diện tích trồng chuối cấy mô, đầu ra luôn được đảm bảo, có đối tác bao tiêu. Vấn đề là phải chú trọng kỹ thuật để chuối thu hoạch có mẫu mã đẹp, đạt chất lượng, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của đối tác cung ứng xuất khẩu. Chỉ cần phía nhập khẩu kiểm tra chuối không đảm bảo chất lượng sẽ bị hủy hợp đồng ngay.
Theo ngành Nông nghiệp địa phương, mô hình trồng chuối cấy mô trên địa bàn huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang mang lại lợi nhuận cao hơn cây lúa từ 30-40%. Chuối được ưa chuộng và xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... và phải đảm bảo về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo kích cỡ trái từ 1,5-1,8 tấc.
Anh Lưu Đức Vũ, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, chia sẻ: Chú Sáu Đức là một nông dân năng động khi chuyển đổi luân phiên giữa trồng chuối cấy mô và trồng lúa giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời chú còn áp dụng kỹ thuật tưới tự động, thiết kế các mương rãnh để xả phèn, cải tạo đất, đảm bảo cho cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trang trại chuối Sáu Đức là một trong những trang trại tiêu biểu không chỉ của huyện Tri Tôn mà còn của tỉnh An Giang.
Sau thời gian đầu tư làm trang trại, năm 2021 chú Sáu Đức còn đóng góp kinh phí hơn 1,6 tỉ đồng để xây cầu giao thông nông thôn kết nối vào trang trại vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Theo chú Sáu Đức, để phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, địa phương cần quan tâm hỗ trợ người dân hoàn thiện hạ tầng giao thông thủy bộ để vận chuyển nông sản với sản lượng lớn.
Câu chuyện của chú Sáu Đức là minh chứng cho tinh thần năng động, dám nghĩ dám làm của người nông dân Việt Nam. Mô hình trồng chuối cấy mô không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế địa phương bền vững. Đây là một hướng đi đầy triển vọng khi ngành Nông nghiệp đang trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN