Nhận thấy dưa hấu khá dễ trồng, được thị trường ưa chuộng, anh Võ Văn Út ở phường Ô Môn, đã mạnh dạn chuyển đổi 1ha lúa sang trồng dưa hấu sử dụng màng phủ nông nghiệp. Qua 13 năm canh tác dưa hấu chuyên canh dưới ruộng, anh Út tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trồng dưa hấu chuyên canh giúp anh Võ Văn Út nâng cao thu nhập.
Trước đây, gia đình anh Út chủ yếu canh tác lúa 3 vụ/năm, nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí có những vụ thời tiết bất lợi, bị thất mùa, lỗ nặng. Với quyết tâm vực dậy kinh tế gia đình, cách nay 13 năm, anh Út âm thầm tìm kiếm cây trồng thay thế. Qua quá trình tìm hiểu, anh Út nhận thấy dưa hấu là cây màu khá dễ trồng, dễ bán nên anh đã quyết định phá bỏ thế độc canh cây lúa, bắt đầu thử nghiệm trồng dưa hấu dưới ruộng theo hướng chuyên canh.
Anh Út kể: “Ban đầu, tôi chưa nắm kỹ thuật trồng dưa hấu nên năng suất không cao, 1ha dưa hấu thu nhập chưa tới 100 triệu đồng”. Để ruộng dưa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, anh Út không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ nông dân trồng dưa ở các địa phương lân cận; tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do ngành chức năng địa phương tổ chức. Anh từng bước tích lũy những kinh nghiệm hay và ứng dụng thành công trên ruộng dưa của gia đình.
Anh Võ Văn Út từng bước thông thạo các kỹ thuật canh tác dưa hấu, từ việc chọn thời điểm cắt bỏ những chèo kém hiệu quả, đến kết hợp bón phân với phun thuốc bảo vệ thực vật để trái dưa đạt trọng lượng mong muốn, hạn chế sâu bệnh tấn công. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, tùy vào thời tiết, ruộng dưa của gia đình anh Út luôn đạt năng suất trung bình 3-4 tấn/công, được thương lái đến thu mua tại ruộng với giá từ 7.000-10.000 đồng/kg. Với diện tích 10 công, anh Út thu nhập gần 300 triệu đồng/vụ.
Khi chúng tôi đến thăm, giữa nắng trưa gay gắt, mồ hôi nhễ nhại nhưng anh Út vẫn chăm chút nhổ cỏ, tỉa bớt lá chân rồi cố định vị trí bò cho dây dưa nằm trên mặt luống... Lau vội mồ hôi đang chảy trên gương mặt sạm nắng, anh Út bộc bạch: “Nếu chịu khó chăm sóc từ thời điểm này, ruộng dưa sẽ phát triển đồng đều, dây dưa bò theo ý muốn, dễ dàng chăm sóc khi tuyển trái sau này”.
Gia đình anh Võ Văn Út được nhiều người trong khu vực khen ngợi vì tính cần cù, chí thú làm ăn. Mỗi năm, ruộng dưa gia đình anh Út đều cho năng suất cao, nhiều bà con trong vùng đến tham quan, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc chưa hấu. Anh Út chia sẻ: “Để trồng dưa hấu đạt hiệu quả, trước tiên phải làm tốt khâu cải tạo đất, kết hợp với đào liếp thông thoáng để ruộng dưa thoát nước tốt, tránh khi thời tiết có mưa lớn kéo dài, gây ứ nước ảnh hưởng đến sự phát triển của dưa. Đối với phương pháp sử dụng màng phủ nông nghiệp để trồng dưa, cần phải bón phân lót trước khi trồng và bón phân thêm giai đoạn đậu trái; phải canh thời điểm thích hợp để thụ phấn, tuyển trái và bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng, hạn chế sâu, bệnh tấn công”. Mỗi năm, anh Út trồng 3 vụ dưa hấu. Theo kinh nghiệm của anh Út, dưa hấu có thể trồng quanh năm, nhưng để bán được giá cao, nông dân thường tập trung sản xuất vào các thời điểm từ tháng 9 âm lịch đến gần Tết Nguyên đán.
Việc chuyển đổi canh tác, trồng dưa hấu theo hướng chuyên canh đã mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình anh Út cũng như nhiều nông dân trồng hưa hấu khác. Để mô hình trồng dưa hấu phát triển bền vững, anh Võ Văn Út và nhiều nông dân đề nghị ngành chức năng địa phương cần tăng cường hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, sản xuất nông sản theo hướng chất lượng cao, tiêu chuẩn GAP...; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối thị trường tiêu thụ, kết hợp xây dựng thương hiệu nông sản, góp phần giúp nhà nông gia tăng giá trị nông sản và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
Bài, ảnh: K.V