Bằng sự nhạy bén trong chọn giống và áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, ông Lê Văn Dướt (62 tuổi), một nông dân gốc Cà Mau, đã biến vùng đất giồng cát ven biển Vĩnh Long (mới) trở thành “mỏ vàng” sản xuất rau màu, mang lại thu nhập lên đến nửa tỉ đồng mỗi năm.

Ruộng trồng củ cải SH01 của ông Dướt.
Xã Đông Hải, tỉnh Vĩnh Long vốn là vùng giồng cát pha mặn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió biển và nắng nóng kéo dài. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khiến việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính nơi đây đã trở thành “mảnh đất lành” cho hành trình lập nghiệp của ông Lê Văn Dướt, người rời quê Cà Mau để tìm cơ hội phát triển kinh tế.
Không chọn cách làm truyền thống, ông Dướt dành nhiều thời gian nghiên cứu thổ nhưỡng, tìm hiểu kỹ thuật canh tác phù hợp với đặc điểm đất cát. “Đất giồng cát tuy nghèo dinh dưỡng nhưng thoát nước nhanh, ít ngập úng, nếu biết cải tạo hợp lý thì vẫn có thể trồng rau màu hiệu quả”, ông Dướt chia sẻ. Năm 2019, ông mạnh dạn thuê 3 mảnh đất tại xã Đông Hải với tổng diện tích 1,1ha. Ông chọn trồng hành tím và củ cải trắng, những loại rau phù hợp với đất cát, quay vòng nhanh và dễ tiêu thụ. Đến năm 2024, diện tích canh tác được mở rộng lên 3,3ha (gồm 2,2ha hành và 1,1ha củ cải). Sau khi trừ chi phí, ông thu về khoảng 500 triệu đồng/năm, trong đó riêng củ cải mang lại gần 200 triệu đồng lợi nhuận, mức thu nhập vượt trội so với mặt bằng chung của nông dân địa phương.
Theo ông Dướt, thành công không đến từ may mắn mà là kết quả của quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông đầu tư hệ thống tưới phun mưa tự động giúp tiết kiệm nước và giảm công lao động. Cùng với đó là khâu cải tạo đất bằng cơ giới để loại bỏ mầm bệnh và tăng độ tơi xốp cho đất.
Không ngừng tìm tòi giống mới, ông đã đưa vào sản xuất thử nghiệm nhiều dòng củ cải cao sản do Công ty TNHH Giống cây trồng Sen Hồng phát triển như SH01 (củ dài, đít nhọn), SH03 (đít bầu, lá tròn) và SH04 (đít bầu, lá xẻ). Những giống này cho năng suất ấn tượng từ 4 đến 6 tấn/công, cao hơn giống truyền thống từ 0,5 đến 2,5 tấn tùy mùa vụ. Hiện tại, hơn 3 công trồng củ cải SH04 của ông Dướt đang ở giai đoạn 38 ngày tuổi, phát triển ổn định dù thời tiết mưa nắng thất thường. Đây là giống có tán lá xẻ, hạn chế đọng nước và sâu bệnh trong mùa mưa. Giá thu mua tại ruộng đạt 4.200 đồng/kg, cao hơn khoảng 200 đồng/kg so với các giống phổ thông. “Giống SH04 có thể thu hoạch sau khoảng 40 ngày. Củ chắc, năng suất cao, ít sâu bệnh, giá lại tốt nên tôi rất hài lòng”, ông Dướt nói.
Theo ông Cao Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Sen Hồng, doanh nghiệp hiện phân phối hơn 150 loại hạt giống rau màu chất lượng cao. Trong đó, các giống củ cải được đặc biệt chú trọng phát triển cho vùng đất ven biển nơi khí hậu khắc nghiệt và khó canh tác. Ngoài củ cải, công ty còn có dưa hấu Mỹ, dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, bắp, ớt, khổ qua, bí, dưa leo… Công ty không ngừng nghiên cứu để phát triển các giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng ven biển, nơi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường. “Gia đình ông Dướt là một trong những nông hộ áp dụng giống mới rất hiệu quả. Anh chịu khó học hỏi, nắm bắt kỹ thuật nhanh và triển khai bài bản. Mô hình trồng củ cải SH04 của anh là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả sản xuất ở vùng đất giồng cát”, ông Tuấn nhận xét.
Từ một người đi thuê đất, ông Dướt đã vươn lên làm chủ kinh tế nhờ tư duy sản xuất hiện đại, lựa chọn giống phù hợp và áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Câu chuyện của ông không chỉ là một tấm gương làm kinh tế giỏi, mà còn mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng ven biển Vĩnh Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.