24/01/2013 - 20:57

Nâng chất lượng, ổn định đầu ra cho cá tra

Giá cá nguyên liệu bấp bênh khiến nhiều hộ nuôi cá tra ở TP Cần Thơ gặp khó khăn.

TP Cần Thơ hiện có 416 hộ nuôi cá tra thâm canh với tổng diện tích là 809 ha. Năm 2012, các hộ nuôi cá tra thường xuyên lâm vào cảnh hòa vốn hoặc không có lãi khi chi phí đầu vào liên tục tăng còn đầu ra luôn bấp bênh. Làm thế nào để giữ vững diện tích, sản lượng cá tra gắn với nâng cao chất lượng và ổn định đầu ra là vấn đề mà ngành nông nghiệp và người nuôi băn khoăn.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, năm 2012, diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn là 1.152 ha, tăng 23 % so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch hơn 167.000 tấn, bằng 102% so cùng kỳ. Ở thời điểm đầu năm 2012, các hộ nuôi cá tra vẫn có lãi từ 2.500-3.000 đồng/kg khi giá bán cá tra nguyên liệu ổn định ở mức 25.500-26.500 đồng/kg. Nhưng từ tháng 3 đến tháng 11, các hộ nuôi chỉ hòa vốn hoặc lỗ từ 1.000-2.000 đồng/kg khi giá cá nguyên liệu chỉ ở mức 20.000-20.500 đồng/kg. Bước sang tháng 12, giá bán cá tra nguyên liệu đã tăng lên 21.500-22.200 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn lỗ từ 1.500-1.800 đồng/kg do giá thành sản xuất đã lên từ 23.000-24.000 đồng/kg. Theo ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, giá thành nuôi cá tra tăng là do vật tư đầu vào liên tục tăng. Trong khi đó, ngân hàng siết chặt tín dụng với người nuôi và nhà máy chế biến nên người nuôi thiếu vốn đầu tư và doanh nghiệp (DN) thiếu vốn mua cá nguyên liệu. Mặt khác, suy thoái kinh tế ở các nước châu Âu, Mỹ... là những thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam khiến các DN thủy sản bị giảm đơn đặt hàng. Một số DN xuất khẩu thủy sản phá giá, cạnh tranh không lành mạnh khiến giá xuất khẩu cá tra giảm cũng là nguyên nhân tác động khiến giá đầu ra của người nuôi sụt giảm.

Cùng với diện tích nuôi cá tra thịt cung ứng cho các nhà máy chế biến, toàn thành phố hiện có 34 cơ sở sản xuất giống cá tra với diện tích ương nuôi cá giống năm 2012 trên 2.100ha, sản lượng xấp xỉ 958 triệu con giống. 50% lượng giống này đảm bảo cung ứng cho nhu cầu giống tại địa phương, phần còn lại cung ứng cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Năm 2012, các hộ nuôi cá tra nguyên liệu đều gặp khó ở đầu ra nên diện tích thả nuôi tăng không đáng kể. Trong khi đó diện tích ương nuôi cá giống lại tăng đột biến. Nguồn cá giống này đã góp phần giúp các hộ nuôi chuyển sang xu hướng nuôi chuyền lứa. Ông Phan Hoàng Đông, Trưởng trạm Thủy sản liên quận Ô Môn-Thới Lai-Cờ Đỏ, cho biết: "Thay vì chỉ cung cấp cá giống kích cỡ từ 2-3cm ra thị trường thì các cơ sở kinh doanh cá giống có thể cung ứng với kích cỡ lớn hơn cho các hộ nuôi cá thịt. Với hình thức nuôi chuyền lứa này, người nuôi cá thịt có thể rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí, áp lực vốn đầu tư cho 1 vụ nuôi và đảm bảo lợi nhuận".

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 140ha nuôi cá tra đã áp dụng các biện pháp nuôi theo các tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, GlobalGap, SQF 1000CM, ASC... Ngành nông nghiệp thành phố đang chú trọng tập huấn về kỹ thuật sản xuất thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để góp phần gia tăng diện tích nuôi cá tra được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn trên … Tiếp tục triển khai Kế hoạch 38/KH-UBND ngày 14-5-2012 của UBND TP Cần Thơ về việc triển khai thực hiện VietGAP trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2012-2015 và năm 2012 trên địa bàn TP Cần Thơ. Đồng thời, ngành cũng tăng cường công tác quản lý chất lượng thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường.

Năm 2013, ngành nông nghiệp thành phố xác định mục tiêu duy trì diện tích nuôi cá tra ổn định ở mức 900ha với sản lượng xấp xỉ 165.000 tấn, thấp hơn so với năm 2012. Diện tích ương giống cá tra khoảng 1.500ha. Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: "Rút kinh nghiệm từ thực trạng tăng trưởng nóng diện tích nuôi cá tra của những năm trước, sang năm 2013, thành phố quyết định giữ vững diện tích nuôi và sản lượng, tập trung vào chất lượng để đảm bảo đầu ra và lợi nhuận cho người nuôi". Theo ông Hải, về lâu dài, cần chuyển ngành nuôi và chế biến cá tra thành ngành sản xuất có điều kiện, ổn định vùng nguyên liệu, giảm bớt những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu kém năng lực để giữ vững thị trường xuất khẩu và lợi nhuận cho DN lẫn người nuôi.

Hiện nay, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang định hướng tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất bao gồm người nuôi, doanh nghiệp chế biến, ngân hàng, các dịch vụ thủy sản để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến xuất khẩu. Song song đó, vấn đề ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi cá tra tập trung nhằm hiện đại hóa các vùng nuôi sẽ góp phần giúp nghề nuôi cá tra tăng trưởng ổn định và bền vững. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Trong năm 2013, thành phố sẽ triển khai xây dựng Trung tâm giống cấp I theo tiêu chí hệ thống giống quốc gia. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực sản xuất giống đáp ứng nhu cầu nuôi. Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát về chất lượng con giống theo qui định. Đặc biệt, TP Cần Thơ sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện Quy hoạch trung tâm nghề cá Đồng bằng sông Cửu Long tại TP Cần Thơ. Một khi Quy hoạch hoàn thành và được Chính phủ phê duyệt, TP Cần Thơ sẽ có cơ hội để phát huy tiềm năng lợi thế của ngành thủy sản của vùng ĐBSCL nhất là có thêm cơ hội để đầu tư, thu hút đầu tư nâng cao chất lượng và giá trị cho ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra của thành phố".

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết