30/12/2024 - 22:12

Vĩnh Thạnh

Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp 

Năm 2024, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp có sự khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đưa nền kinh tế huyện duy trì tăng trưởng tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025.

Nâng cao hiệu quả

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: "Năm 2024, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh ổn định, phát triển tốt; sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái đa dạng về chủng loại, cho lợi nhuận khá. Trên địa bàn chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi và thủy sản; lượng hàng hóa nông sản đảm bảo đủ, an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình thời tiết, mưa giông diễn biến thất thường phần nào ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân... Ngành Nông nghiệp huyện đã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất".

Mô hình cánh đồng lớn ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch được phát triển tại huyện Vĩnh Thạnh.

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, năm 2024, huyện Vĩnh Thạnh tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch đề ra, cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất; chủ động thực hiện tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đẩy mạnh sản xuất, cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng... Qua đó, toàn huyện có tổng diện tích xuống giống lúa 72.475,65ha, đạt 106,58% kế hoạch, năng suất trung bình 6,88 tấn/ha, sản lượng 498.342 tấn lúa tươi, lợi nhuận 75,2 triệu đồng/ha. Riêng việc triển khai thực hiện mô hình thí điểm cánh đồng 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh thực hiện đạt hiệu quả cao trong vụ hè thu 2024 tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận (ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh). Kết quả, năng suất lúa tươi đạt 6,1-6,5 tấn/ha, so với sản xuất truyền thống năng suất cao hơn từ 0,3-0,5 tấn/ha, lợi nhuận bình quân cao hơn 4,2 triệu đồng/ha.

Sản xuất rau màu cũng đạt hiệu quả, toàn huyện xuống giống được 1.472ha, trong đó sản xuất trên nền lúa 669,9ha, trồng bờ là 802,1ha. Rau màu phát triển đa dạng về chủng loại, nông dân đã chủ động chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho lợi nhuận kinh tế cao như ớt, bầu, bí, dưa, củ cải trắng, đậu các loại, mè. Cây ăn trái có tổng diện tích 481,68ha, trong đó diện tích trồng vườn là 253,69ha và diện tích trồng phân tán là 227,99ha. Hoạt động chăn nuôi với tổng đàn gia súc, gia cầm 428.127 con; trong năm công tác vệ sinh, tiêu độc môi trường, tiêm phòng gia súc, tiêm phòng cúm gia cầm, tiêm phòng bệnh khác trên đàn heo, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được quan tâm thực hiện. Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không xảy ra. Nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao với diện tích thả nuôi 466,76ha, thu hoạch 394,62ha có sản lượng 40.011,26 tấn. Trong năm, không có dịch bệnh xảy ra, các hộ nuôi thủy sản tích cực ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế khá tốt, tạo phấn khởi cho người dân...

Thúc đẩy sản xuất

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, năm 2024, huyện Vĩnh Thạnh chú trọng công tác xây dựng, phát triển nông nghiệp nông thôn mới. Cụ thể, trong năm, huyện tổ chức thành công lễ công bố 3 xã (Vĩnh Bình, Vĩnh Trinh và Thạnh Tiến) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tập trung chỉ đạo nâng chất và xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao của 2 xã (Thạnh Mỹ, Thạnh Quới), nông thôn mới kiểu mẫu xã Thạnh Thắng. Đến nay 3 xã đã thực hiện hoàn thành các tiêu chí, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn các đơn vị này hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định để trình UBND thành phố xem xét, công nhận. Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Thạnh quan tâm chỉ đạo phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Trong năm có 3 chủ thể đăng ký với 6 sản phẩm, cụ thể: trà mãng cầu xiêm Việt Triều, khóm cuộn bánh tráng Việt Triều, khóm sấy muối ớt Việt Triều, mãng cầu sấy muối ớt Việt Triều (của chủ thể Hộ kinh doanh Việt Triều, xã Thạnh Tiến), nước mắm chay Hùng Liêng (của Hộ kinh doanh Hùng Liêng, xã Thạnh Mỹ), rượu gạo Thanh Bình (của Hộ kinh doanh Thanh Bình, xã Thạnh Thắng). Đến nay có 2 sản phẩm của 2 chủ thể đã được UBND huyện đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao; các sản phẩm còn lại đang được xét và sẽ xếp hạng, công bố trong dịp Tết Nguyên đán 2025 sắp đến. Song song đó, huyện Vĩnh Thạnh cũng chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn UBND thị trấn Thạnh An, thị trấn Vĩnh Thạnh tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng thị trấn đô thị văn minh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Dự kiến sẽ công nhận 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh trong quý I năm 2025.

Năm 2024 Vĩnh Thạnh đã hoàn thành thủy lợi mùa khô được 57.570m3, đạt 100,3% khối lượng, kinh phí thực hiện 1,439 tỉ đồng do nhân dân đóng góp; đang triển khai thi công 5 công trình thủy lợi từ vốn ngân sách nhà nước, khối lượng thực hiện 50.096m3, đạt gần 20% khối lượng…

Ông Trần Xuân Phương nhấn mạnh: Năm 2025, Vĩnh Thạnh tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất; ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi. Áp dụng quy trình, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản hiện đại, gắn với chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa, an toàn và khả năng cạnh tranh cao; nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã hiện có trên địa bàn; củng cố, mở rộng diện tích và tăng hiệu quả trong sản xuất mô hình cánh đồng 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ; quan tâm đào tạo nghề cho nông dân, gắn với chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn theo các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết