19/07/2020 - 10:45

Nạn nhân axít làm đẹp cho đời 

Tiệm làm đẹp Depilex ở thành phố Lahore (thủ phủ tỉnh Punjab, miền Bắc Pakistan) là nơi hỗ trợ, che chở và tạo công việc cho một số nạn nhân bị tạt axít. Ở tiệm làm đẹp này, những người thợ luôn bận rộn, lúc thì cắt, tạo mẫu tóc, lúc thì làm móng tay, móng chân cho khách hàng.

Chị Heera chăm sóc tóc cho khách hàng. Ảnh: Guardian

Ðây là nơi thường xuyên lui tới làm đẹp của chị em phụ nữ thành phố nhưng đối với nhân viên Margaret Heera, nó chất chứa cả một câu chuyện buồn. Cách đây 7 năm, chị bị chính người cùng chung chăn gối  nhốt trong một căn phòng rồi nhẫn tâm đổ axít lên mặt và cơ thể, bởi anh ta không hài lòng về số của hồi môn ít ỏi mà chị được cha mẹ tặng khi xuất giá.

Người phụ nữ 29 tuổi này hiện là một trong số 7 chị em đang làm việc tại tiệm làm đẹp Depilex ở Lahore, được mở ra để tạo công ăn việc làm cho những người may mắn sống sót sau các vụ tấn công bằng axít, vốn thường bị người đời xa lánh và khó tìm được việc làm. “Ban đầu, hầu hết các khách hàng đều bị sốc khi nhìn thấy tôi cũng như những vết sẹo của tôi. Họ không cho tôi làm đẹp cho họ. Nhưng bây giờ mọi thứ đã ổn, mọi người đều ủng hộ tôi. Giờ đây, tôi tự do và cố gắng làm việc để lo cho con tôi ăn học” - chị Heera chia sẻ.

Một trường hợp khác là chị Sabra Sultana, quản lý tiệm làm đẹp Depilex ở thành phố Jhelum cũng thuộc tỉnh Punjab. Sultana bị chồng tạt axít vào năm 1993 khi tranh cãi về của hồi môn. Chị đưa vụ việc ra tòa nhưng lại bị người chồng tố rằng tinh thần chị không ổn định. Thế là anh ta được tại ngoại. Ðược đào tạo nghề làm đẹp năm 2006, Sultana giờ đây đang hỗ trợ những người cùng chung cảnh ngộ.

Ðược nữ doanh nhân Masarrat Misbah thành lập năm 1980, chuỗi tiệm làm đẹp Depilex đến nay đã lan rộng khắp Pakistan. Năm 2005, bà Misbah lập ra Quỹ Depilex Smileagain để hỗ trợ cho những nạn nhân bị bỏng, đặc biệt là những người sống sót sau các vụ tạt axít. Theo đó, họ được hỗ trợ chi phí phẫu thuật phục hồi, được đào tạo nghề và được tạo công ăn việc làm tại các tiệm làm đẹp thuộc chuỗi tiệm làm đẹp Depilex. Abdiya Shaheen, quản lý Quỹ Smileagain cho biết, trong số 750 phụ nữ đăng ký nhận sự giúp đỡ của quỹ, có đến 460 người là nạn nhân của các vụ tạt axít. Các vụ tấn công thường xảy ra khi người phụ nữ phản đối những hủ tục lỗi thời, chẳng hạn như từ chối lời cầu hôn, hoặc vì sinh con gái.

Theo tổ chức phi chính phủ Quỹ những nạn nhân axít sống sót (ASF), trong giai đoạn 2007-2018, có đến 1.485 trường hợp bị tạt axít ở Pakistan. Trong đó, có khoảng 1/3 trẻ em bị cũng bị vạ lây khi các thành viên trong gia đình mình bị tấn công. Năm ngoái, có 80 vụ được báo cáo, giảm 50% kể từ năm 2014. Rất nhiều trường hợp khác được cho không được trình báo lên chính quyền. Dẫu vậy, tỷ lệ kết án đối với những kẻ phạm tội là không đáng kể, giảm gần một nửa trong giai đoạn 2016-2018, từ 63,6% xuống còn 38,4%.

Sở dĩ số vụ tạt axít tại Pakistan ở mức cao là do chính quyền khó kiểm soát được việc buôn bán axít, vốn được sử dụng để trồng bông - ngành công nghiệp quan trọng ở Punjab. Ðược biết, các sản phẩm từ bông chiếm 10% GDP Pakistan. Năm 2012, chính quyền Punjab tuyên bố các vụ tấn công bằng axít sẽ bị truy tố tại các tòa án vốn được lập ra để xét xử các nghi phạm khủng bố nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ về việc chấm dứt vấn nạn tạt axít. Phương pháp này dường như mang lại hiệu quả cao. ASF cho biết, chỉ có 2-3% số vụ tạt axít được báo cáo ở Punjab trước kia. Giờ đây, tỷ lệ này lên tới 90%. Năm ngoái, Thủ hiến Usman Buzdar cam kết chi 100 triệu rupee để giúp những người sống sót sau khi bị tạt axít phục hồi và trở lại với cuộc sống bình thường. Số tiền này dự kiến sẽ hỗ trợ được 1.000 nạn nhân.

Theo bộ luật được Pakistan thông qua năm 2011, những tội phạm tấn công bằng axít phải đối mặt mức án phạt từ 14 năm tù cho đến chung thân, cũng như phải chịu phạt tiền 1 triệu rupee (tương đương 6.000 USD).

TRÍ VĂN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết