06/09/2020 - 08:19

Nan giải điện ảnh truyền thống hay hiện đại? 

Bất cứ ngành nghề nào theo thời gian cũng cần sự đổi mới để thúc đẩy sự phát triển, nhưng sự chuyển dịch và thay đổi trong ngành công nghiệp điện ảnh gần đây lại gây nhiều tranh luận. Giữ lại bản chất điện ảnh hay ưu tiên cho lợi nhuận là vấn đề những người trong ngành công nghiệp này phải lựa chọn...

“Marriage Story”. Ảnh: Netflix.com

“Marriage Story”. Ảnh: Netflix.com

Nhiều thập kỷ qua, các hãng phim đã dẫn dắt ngành công nghiệp điện ảnh thế giới phát triển tốt, kể cả khi mở rộng sang truyền hình, cáp... Ngành công nghiệp đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ, đi cùng giải quyết việc làm cho lực lượng lao động khá hùng hậu. Thế nhưng dường như những mô hình cũ không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Từ mức độ phân cấp ở các hãng phim, đã cho thấy có sự thay đổi lớn. Điển hình như tại Warner Media. Casey Bloys - Chủ tịch của HBO, HBO Max và các đài cáp - đã được xếp ngang hàng với Toby Emmerich - Chủ tịch bộ phận điện ảnh của Warner Bros.; còn Peter Roth - Chủ tịch phim truyền hình, xếp ngang Pam Lifford - Chủ tịch các thương hiệu toàn cầu. Điều này xác nhận: phát hành phim ra rạp đã không còn là phương thức thống trị như trước kia và đang bị thay thể bởi nhiều phương thức khác.

Các chuyên gia điện ảnh cho rằng: cách phát hành cũ không còn hiệu quả nữa, thay vào đó là mối quan hệ mới giữa khán giả và các nhà cung cấp dịch vụ giải trí. Đây là điều được dự đoán từ những năm 1990, nhưng các hãng vẫn chậm thay đổi, hay nói đúng hơn là không muốn thay đổi. Họ vẫn muốn giữ nguyên đế chế phát hành rạp và không muốn chịu quá nhiều rủi ro khi chuyển đổi sang hình thức khác, khi mà hiệu quả không có cơ sở để đánh giá chính xác. Thế nhưng công nghệ phát triển quá nhanh và mối đe dọa thực sự đã đến từ Netflix.

Từ một công ty con với khởi đầu cho thuê DVD hoạt động từ năm 1998, từng đứng trước nguy cơ bị thâu tóm và phá sản, nhưng Netflix đã có sự chuyển đổi ngoạn mục khi đầu tư mô hình trực tuyến vào năm 2007. Netflix từng bước chiếm lĩnh thị phần và trở thành mối đe dọa của các hãng phim. Đối mặt với sự phản đối và tẩy chay từ năm 2013, nhưng những thành công của “House of Cards”, “Orange is the New Black”, “The Crown”, “Roma”, “Marriage Story”… đã khiến các nhà làm phim phải có cái nhìn khác về Netflix, cũng như thấy được tiềm năng của nền tảng trực tuyến.

Từ năm 2019, nhiều nền tảng phát trực tuyến đã ra đời, lại trở thành cứu tinh của các hãng phim giữa dịch bệnh COVID-19. Disney+ đã lấn sân ấn tượng với hơn 60 triệu thuê bao chỉ sau vài tháng ra mắt. Disney+ cũng trở thành giải pháp để “Mulan” đến với khán giả, khi phim bị trì hoãn ra rạp vì dịch bệnh. “Mulan” sẽ ra mắt trên Disney+ vào ngày 24-9-2020 ở khu vực Bắc Mỹ với giá 29,99 USD. Vấn đề là toàn bộ doanh thu sẽ chảy vào túi Disney mà không phải phân chia cho các hãng phát hành nữa. Các hãng phân phối đứng trước nguy cơ mất thị phần.

Sau Disney thì AT&T cũng tái cấu trúc lại tập đoàn với sự đầu tư cho nền tảng trực tuyến, trong đó ra mắt của HBO Max. Ông lớn công nghệ Apple cũng không ngồi yên với nền tảng Apple TV+. Cuộc đua sôi động không chỉ ở thị phần mà còn ở nội dung. Apple đã chi mạnh tay đầu tư cho “The Morning Show”, “Killers of the Flower Moon”, “Greyhound”. Amazon Studio cũng không đứng ngoài cuộc khi bỏ ra 250 triệu USD để mua bản quyền và làm lại loạt phim “The Lord of the Rings”. Hãng còn bỏ thêm chi phí cao ngất ngưởng để mời những nhà làm phim danh tiếng: JD Payne, Parktrick Mckay (“Star Trek Beyond”) và J.A.Bayona (“Jurassic World: Fallen Kingdom”) để sản xuất 2 tập đầu của loạt phim cho nền tảng trực tuyến Amazon Prime. Trong khi đó, NBCUniversal lại đưa ra dịch vụ Peacock miễn phí đầy cạnh tranh.

Các hãng đang đổ xô vào nền tảng trực tuyến, bởi vì thành công của Netflix là không thể phủ nhận. Đơn vị này hiện đã có 167 triệu thuê bao ở 190 quốc gia và đang lật ngược thế cờ của ngành điện ảnh. Năm 2019, Netflix đã phải chịu nhiều tấn công, tẩy chay và phỉ báng vì bị cho rằng đã phá hỏng, giết chết rạp chiếu. Nhưng đại dịch COVID-19 ập đến, Netflix và những nền tảng trực tuyến trở nên hợp thời. Tất nhiên, đại dịch không thể khóa sổ hoàn toàn các rạp chiếu, nhưng đã thu hẹp dần cửa của các hãng phát hành, làm thay đổi phương thức, mô hình kinh doanh đã tồn tại hàng thế kỷ của điện ảnh.

Một nhà phân phối phim cho biết: ngành công nghiệp điện ảnh có hàng trăm ngàn rạp chiếu, nếu mất khoảng 25% thì cũng đã là con số lớn. Việc thu hẹp phòng chiếu, rạp chiếu sẽ khiến nội dung cũng bị hạn chế và tạo ra khoảng trống thị trường. Thị trường này sẽ nhanh chóng bị lấp đầy bởi những thứ khác”. Do đó, việc khăng khăng giữ mô hình phát hành rạp 90 ngày có lẽ sẽ không còn phù hợp, khi mà thị phần không còn do các nhà phân phối nắm thế độc quyền nữa. Nhà sản xuất Todd Garner, nói: “Các hãng phim, chủ sở hữu phải tìm ra giải pháp để hỗ trợ nhau. Không có gì sai khi các phim lớn, thương hiệu ra rạp, còn những phim nhỏ sẽ ra mắt ở nền tảng trực tuyến. Disney+, HBO Max, Netflix... cho phép điều đó”.

Việc cắt giảm hay sáp nhập các rạp được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới. Song song đó, các quy chuẩn về phim chiếu rạp cũng sẽ thay đổi, có khả năng sẽ rút ngắn xuống còn khoảng 3 tuần trước khi phát hành VOD hay phát trên nền tảng trực tuyến có trả phí. Các nhà sản xuất và phát hành buộc phải linh hoạt thay đổi theo hoàn cảnh. Tất nhiên, không phải đơn vị phát hành nào cũng đồng ý như vậy, nhưng thị trường mới là yếu tố quyết định.

BẢO LAM (Theo Indiewire)

Chia sẻ bài viết