24/02/2021 - 08:25

Mỹ xúc tiến trừng phạt Nga vụ Navalny 

Ðánh dấu sự thay đổi chiến lược đối với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét các lựa chọn có sẵn và có thể hợp tác với các đồng minh châu Âu trong việc triển khai trừng phạt nhằm buộc Mát-xcơ-va “chịu trách nhiệm” trong vụ nhà chính trị đối lập Alexei Navalny (ảnh) bị đầu độc và bỏ tù.

Ảnh: Reuters

Bất chấp phủ nhận từ Ðiện Kremlin, Liên minh châu Âu (EU) năm ngoái đã nhất trí với các nội dung trừng phạt do Pháp và Ðức đề xuất nhắm vào 6 cá nhân cùng một thực thể của Nga sau khi tổ chức giám sát vũ khí hóa học của Liên Hiệp Quốc khẳng định kết luận của Ðức, Pháp và Thụy Ðiển cho rằng ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh cực mạnh Novichok là đúng. Trong tuyên bố mới đây, Ðại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell cho biết khối này sẽ áp lệnh trừng phạt mới chống Nga liên quan việc tuyên án ông Navalny. Dự kiến lệnh trừng phạt sẽ được thông qua vào đầu tháng 3 tới.

Theo cựu Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Âu và Nga thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ryan Tully, hành động tiếp theo của chính quyền Biden sẽ là bước đi quan trọng khi Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump từng đưa ra lập trường khác biệt với đồng minh. Một số nguồn tin tiết lộ Tổng thống Biden đang xem xét các lựa chọn sẵn có nhưng loại trừ khả năng kích hoạt các gói trừng phạt “đơn phương và không hợp tác với đồng minh” được đề xuất dưới thời người tiền nhiệm. Diễn biến này thể hiện thái độ cứng rắn của Washington, qua đó đặt dấu chấm hết cho chính sách đối với Nga của ông Trump.

Ngoài phản ứng trong vụ Navalny, các nhà quan sát đặc biệt chú ý động thái của Mỹ xung quanh dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) nối từ Nga tới Ðức, cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ðây là điểm nghẽn trong quan hệ giữa Mỹ và EU, đặc biệt là với Berlin khi chính quyền Trump liên tục thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nhằm phản đối Nord Stream 2 với lập luận dự án làm tăng đòn bẩy kinh tế và chính trị của Nga ở khu vực. Khi còn là cấp phó dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Biden cũng coi đây là “thỏa thuận tồi”.

Nhưng với mục tiêu hàn gắn quan hệ xuyên Ðại Tây Dương, giới phân tích cho rằng Tổng thống Biden có thể “nhẹ tay” với Nord Stream 2 so với ông Trump, hướng tới cách tiếp cận hợp tác hơn với các cường quốc châu Âu. Ðiều này được thể hiện qua báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ trình Quốc hội mới đây, trong đó không đề xuất bổ sung lệnh trừng phạt đối với dự án đường ống dẫn khí trị giá 11 tỉ USD mà chỉ tập trung vào các biện pháp cũ. Hành động của Nhà Trắng lập tức vấp phải chỉ trích từ một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa. Ðây cũng là phép thử đối ngoại quan trọng khi các nước Trung Âu lo ngại tín hiệu từ Washington thúc đẩy Nga tiếp tục mở rộng quyền lực địa chính trị ở “lục địa già”.

Ông Navalny bị bắt tại biên giới Nga ngày 17-1 sau khi trở về từ Đức, nơi ông phục hồi sau vụ việc được gọi là “đầu độc bằng chất độc thần kinh”. Ông cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn ám sát mình trong khi Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc này.

Tòa án ở Mát-xcơ-va ngày 2-2 tuyên ông Navalny 3 năm 6 tháng tù, nhưng luật sư của ông cho biết ông chỉ phải ngồi tù 2 năm 8 tháng vì đã bị quản thúc tại gia trước đó, theo Hãng tin Reuters.

MAI QUYÊN (Theo Politico, Bangkok Post)

 

Chia sẻ bài viết