14/02/2024 - 21:57

Mỹ tự tin năng lực tàu sân bay 

Trước ý kiến cho rằng tên lửa Trung Quốc đe dọa khả năng tác chiến của tàu sân bay Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết bất kể nguy cơ là gì, lực lượng răn đe ở khu vực hoàn toàn đủ năng lực đối phó và hoàn thành sứ mệnh an toàn.

Tàu sân bay Mỹ trong cuộc tập trận với Nhật Bản. Ảnh: US Navy

Ðánh giá được Chuẩn Ðô đốc Carlos Sardiello, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson, đưa ra giữa thời điểm Lầu Năm Góc triển khai 3 trong số 11 tàu sân bay trong biên chế hải quân tới Tây Thái Bình Dương. Ðầu tháng 2, lực lượng này còn tiến hành cuộc tập trận chung với Nhật Bản trên vùng biển gần Philippines.

Thông qua các động thái phô trương sức mạnh, giới quan sát cho rằng Mỹ đang muốn trấn an đồng minh rằng Washington không phớt lờ khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương giữa lúc có nhiều lo ngại về khả năng xung đột Trung Ðông lan rộng. “Ðó là một thông điệp răn đe. Việc gửi thông điệp này sẽ tiếp diễn bất kể điều kiện ở những nơi khác trên thế giới như thế nào” - nhà khoa học chính trị cấp cao Jeffrey Hornung nhận định.

Thường một nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của Hải quân Mỹ bao gồm 1 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương và 2-3 tàu khu trục. Tùy tình hình nhiệm vụ, CSG được bổ sung thêm tàu ngầm hạt nhân để thu thập thông tin tình báo, đối phó các mối đe dọa dưới mặt nước hoặc đảm nhiệm vai trò phòng không. Về cơ bản, chuyên gia Patrick Cronin tại Viện nghiên cứu Hudson cho biết tàu sân bay đóng vai trò quan trọng bởi nó phản ánh khả năng thực hiện cam kết an ninh của Mỹ trong khu vực.

Vấn đề là các “pháo đài trên biển” dễ trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa, thậm chí có nguy cơ cao bị đánh chìm nếu xung đột nổ ra. Khi đó, các cảng lớn ở Nhật Bản vốn là nơi tiếp đón các tàu chiến Mỹ “có thể bị oanh tạc dữ dội”. Trong giai đoạn đầu, Mỹ sẽ phải rút các tài sản có giá trị cao bao gồm tàu sân bay về “chuỗi đảo thứ 2” trải dài từ quần đảo Ogasawara của Nhật Bản và lãnh thổ Guam của Mỹ đến Papua New Guinea. Tuy Washington sẽ tìm đường quay trở lại, nhưng các tàu sân bay Mỹ có thể gặp khó trong tiếp cận tiền tuyến Tây Thái Bình Dương khi trở thành mục tiêu của lực lượng tên lửa Trung Quốc.

Năng lực của Bắc Kinh

Trong báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc hồi năm ngoái, Lầu Năm Góc thừa nhận mối đe dọa do tên lửa chống hạm DF-21 gây ra. Ðược biết đến với tên gọi “sát thủ tàu sân bay”, DF-21 có tầm bắn 1.500 km và trang bị khả năng thay đổi mục tiêu sau khi phóng, khiến hệ thống phòng thủ đối phương khó đánh chặn. Năm ngoái, có tin Trung Quốc tăng gấp đôi số lượng tên lửa tầm trung DF-21 lên 1.000 chiếc, cho phép Bắc Kinh dễ dàng tiến hành các cuộc tấn công tầm xa độ chính xác cao với phạm vi từ đại lục đến ngoài khơi Tây Thái Bình Dương.

Hiện tại, kho vũ khí Trung Quốc còn có loại tên lửa diệt tàu sân bay tối ưu khác là DF-26B. Ðây là biến thể từ mẫu tên lửa chống hạm DF-26, có chiều dài 14 m, đường kính gần 2 m và nặng 22 tấn. Sử dụng nhiên liệu rắn, tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-26B có thể chuyển từ chất nổ mạnh thông thường sang đầu đạn hạt nhân khi được triển khai. Với tầm bắn hơn 4.000 km, DF-26B có năng lực tiêu diệt tàu mục tiêu kể cả khi chúng đang di chuyển nhờ thiết bị tìm kiếm đầu cuối chủ động. Ðây là lợi thế giúp Trung Quốc áp đảo các nước láng giềng và đe dọa Hải quân Mỹ ở khu vực. Ðáng lo nhất là khả năng tấn công đảo Guam, nơi đặt căn cứ chiến lược và cơ sở tiếp tế của lực lượng Mỹ ở Ðông Á.

Theo các chiến lược gia, việc căn cứ trên đảo Guam bị tấn công trong khi tàu sân bay bị đánh chìm sẽ là điều không thể tưởng tượng được. Trước nay, sức mạnh các nhóm tác chiến tàu sân bay phần lớn phụ thuộc vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển Aegis trang bị cho các tàu hộ tống. Trong bối cảnh mối đe dọa từ Trung Quốc cũng như CHDCND Triều Tiên gia tăng, giới phân tích cho rằng sẽ có thêm nhiều tiếng nói yêu cầu hải quân và các nhà thầu quốc phòng cải tiến hệ
thống Aegis.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, National Interest)

Chia sẻ bài viết