27/12/2019 - 09:13

Mỹ-Trung trong cuộc đua AI 

Ngoài cuộc chiến thương mại, năm 2019 còn chứng kiến màn cạnh tranh không kém phần kịch tính giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) khi công nghệ này bị lợi dụng như công cụ chính trị.

AI đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng bắt đầu “sốt” trong những năm gần đây nhờ tiềm năng ứng dụng trên xe tự lái, bán lẻ, quảng cáo kỹ thuật số... Công nghệ này đạt bước tiến lớn khi có thể tự học, nhận dạng, ghi lại và xử lý dữ liệu một cách thuần thục tựa như cách hoạt động của não bộ con người. Nỗ lực vượt Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, Trung Quốc năm 2017 vạch kế hoạch phát triển AI và đặt mục tiêu tăng giá trị ngành công nghiệp này lên 21,4 tỉ USD vào năm 2020. 

Tính đến hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường AI lớn nhất thế giới và chiếm 57% thị phần toàn cầu trị giá 37,5 tỉ USD. Kế đến là Trung Quốc (12%). Nhưng với tốc độ tăng trưởng 65% mỗi năm, nhiều người cho rằng Bắc Kinh đang thu hẹp khoảng cách thậm chí sắp vượt Mỹ thống lĩnh ngành công nghiệp AI. Tiên đoán này cũng dự báo thay đổi cách tiếp cận của Washington trong cuộc chiến cạnh tranh với Bắc Kinh thời gian tới.

Hiện ngành công nghiệp AI Trung Quốc cũng đang chịu áp lực và giám sát lớn hơn từ Mỹ. Hồi đầu năm, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu “dành tối đa tài nguyên chính phủ liên bang” để thúc đẩy sáng tạo và phát triển AI. Thừa nhận Bắc Kinh đang rút ngắn khoảng cách rất nhanh, phó cố vấn của ông Trump về chính sách công nghệ Michael Kratsios trong tháng 9 tiếp tục kêu gọi “sức mạnh tập thể” từ chính phủ lẫn khu vực tư nhân để giữ vị thế của Mỹ trong cuộc đua thống lĩnh AI toàn cầu. Sau đó một tháng, Washington bắt đầu “tấn công” các hãng khởi nghiệp hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực nhận diện khuôn mặt  là SenseTime, Megvii và Yitu do lo ngại an ninh quốc gia cùng lợi ích đối ngoại.

SenseTime là công ty khởi nghiệp AI có giá trị lớn thứ hai trên thế giới (7,5 tỉ USD) trong khi công ty AI được định giá cao nhất thế giới hiện nay cũng là một đại diện khác của Trung Quốc tên ByteDance. Ngoài 3 hãng công nghệ nói trên, một số công ty đại lục khác như nhà sản xuất máy quay giám sát sử dụng AI Hikivison và công ty phần mềm phân biệt giọng nói iFlyTek cũng bị cấm mua linh kiện hay nhập khẩu công nghệ Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ cho biết những hãng công nghệ trong “danh sách đen” bị trừng phạt do liên quan vấn đề nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương.

Trung Quốc đang đẩy mạnh lắp đặt hệ thống nhận diện khuôn mặt kết hợp AI. Ảnh: Asia Nikkei

Việc bị cấm mua linh kiện, công nghệ Mỹ có thể làm chậm đà phát triển của các hãng AI Trung Quốc và mở ra mặt trận cạnh tranh chiến lược mới giữa hai cường quốc. Riêng việc Mỹ lấy lý do nhân quyền còn phát đi tín hiệu nước này sẵn sàng dùng đến những công cụ phi truyền thống nhằm ngăn cản tham vọng của đối thủ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại “chính trị hóa” AI có thể khiến quan hệ Mỹ-Trung ngày càng gay gắt khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đã kèn cựa vị thế thống trị trong lĩnh vực công nghệ cao khác như phát triển mạng không dây 5G hay điện toán lượng tử.

Trước sức ép từ Mỹ, dữ liệu từ Công ty nghiên cứu Trung Quốc IT Juzi cho biết ngành công nghiệp AI trong nước có thể chứng kiến ​​sự suy giảm đầu tiên về số lượng giao dịch và tổng vốn đầu tư mạo hiểm lẫn đầu tư cổ phần tư nhân kể từ năm 2012. Cụ thể, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI Trung Quốc đã giảm từ xấp xỉ 18 tỉ USD năm 2018 xuống còn 12 tỉ USD trong năm 2019. Tuy vậy, ông Benson Ng thuộc hãng tư vấn Ernst & Young Greater Trung Quốc cho biết sức cạnh tranh về lâu dài sẽ tạo động lực giúp Bắc Kinh phát triển nền tảng công nghệ nội địa, nhờ đó cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, đồng thời  mở cơ hội hợp tác lớn hơn giữa Trung Quốc và thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi trong những năm tới.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết