24/09/2020 - 09:27

Mỹ - Trung căng thẳng tại LHQ 

Hôm 22-9, kỳ họp thứ 75 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã khai mạc dưới hình thức trực tuyến trong bối cảnh thế giới đang bị chia cắt bởi đại dịch COVID-19.

Bài phát biểu của Tổng thống Trump phát tại cuộc họp Đại Hội đồng LHQ. Ảnh: Reuters

Bài phát biểu của Tổng thống Trump phát tại cuộc họp Đại Hội đồng LHQ. Ảnh: Reuters

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận chung đầu tiên, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres xác định toàn cầu đang đứng trước sự “gia tăng bất bình đẳng, thảm họa khí hậu, chia rẽ xã hội và nạn tham nhũng tràn lan”. Đặc biệt, ông chỉ trích chủ nghĩa dân túy cùng chủ nghĩa dân tộc cản trở cuộc chiến chống COVID-19 và khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Trong bối cảnh này, người đứng đầu tổ chức quy tụ 193 quốc gia thành viên kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết ưu tiên chống đại dịch, giải quyết hậu quả kinh tế, ngăn mối đe dọa Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Hãng tin AP, tại diễn đàn LHQ, đối đầu Mỹ - Trung được phản ánh rõ nét thông qua việc Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích Bắc Kinh còn Chủ tịch Tập Cận Bình công khai quan điểm về chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Một trong những điểm đáng chú ý trong đoạn video gởi từ Nhà Trắng là đề nghị của Tổng thống Trump giục LHQ làm rõ trách nhiệm của Trung Quốc vì đã “phát tán” đại dịch COVID-19 ra toàn cầu. Ông cũng công kích vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mà ông cho là bị Bắc Kinh “kiểm soát”, đã đưa ra những khuyến cáo “sai sự thật”. Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany, không có “kẻ bắt nạt” nào như Trung Quốc khi nói đến COVID-19.

Đáp lại, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống Trump “không phù hợp” với bầu không khí chung. Ông này khẳng định mọi cáo buộc chống lại Trung Quốc đều “vô căn cứ” và Mỹ đang “lạm dụng” LHQ để lan truyền “virus chính trị” hòng khơi dậy đối đầu, chia rẽ giữa thời điểm thế giới đang chống dịch. Trong phát biểu ghi từ Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc không muốn gây Chiến tranh Lạnh với bất kỳ quốc gia nào. Tuy vậy, ông cũng ngầm đả kích Washington khi kêu gọi ngăn chặn “chính trị hóa” COVID-19 và nêu cao vai trò của WHO trong ứng phó đại dịch.

Theo giới quan sát, cam kết của Trung Quốc sau đó về môi trường và những tuyên bố đả kích chủ nghĩa đơn phương cho thấy nước này đang cố thể hiện vai trò lãnh đạo ở thời điểm chính quyền Trump liên tục rút Mỹ khỏi các thỏa thuận cũng như tổ chức quốc tế.

Nhật báo Phố Wall cho rằng những quốc gia bị kẹt ở giữa ngày càng lo ngại đối đầu leo thang giữa hai cường quốc sẽ khiến khủng hoảng do COVID-19 trở nên nghiêm trọng, cản trở tiến trình khôi phục kinh tế hoặc tệ hơn là kịch bản xung đột trực tiếp. Theo Tổng Thư ký Guterres, quốc tế cần hành động để tránh những rạn nứt không thể tránh khỏi về địa chiến lược và quân sự. Đồng quan điểm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu cùng những nước khác không biến mình thành “quan sát viên bên lề” trong một trật tự thế giới định hình bởi đối đầu Mỹ - Trung.

Về bài phát biểu chỉ trích Bắc Kinh một cách bất thường, Giáo sư Julian Ku tại Đại học Hofstra (Mỹ) cho rằng Tổng thống Trump đang tìm kiếm sự đồng thuận toàn cầu về “trách nhiệm” của Trung Quốc trước đại dịch khiến hơn 200.000 người Mỹ cũng như gần một triệu người trên thế giới thiệt mạng. Ngoài ra, theo Max Abrahms thuộc Viện Quincy, ông Trump có thể muốn thông qua kiểu lập luận “đổ lỗi” và lá bài chủ nghĩa dân tộc để thu hút cử tri bài ngoại trong cuộc bầu cử sắp tới.

MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết