|
Sau khi Palestine được công nhận, số thành viên của UNESCO đã tăng lên 195. Ảnh: UN.org |
Mỹ vừa cho ngưng cung cấp quỹ dành cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) sau khi tổ chức này chính thức bỏ phiếu công nhận tư cách thành viên đầy đủ của Palestine hôm 31-10.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố nước này sẽ không chi số tiền 60 triệu USD mà trước đó cam kết tài trợ cho UNESCO trong tháng 11. Luật của Mỹ cho phép Washington ngừng hỗ trợ tài chính cho bất kỳ cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) nào công nhận Palestine là thành viên trước khi tiến trình hòa bình Israel-Palestine đạt được thỏa thuận. Hiện nay, nguồn quỹ do Mỹ cung cấp chiếm khoảng 20% tổng ngân sách hàng năm của UNESCO.
Động thái trên của Mỹ nhằm phản ứng việc Palestine được công nhận là thành viên của UNESCO sau khi đa số nước thành viên bỏ phiếu thông qua, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Mỹ và Israel. Trong số 173 nước tham gia bỏ phiếu, Palestine nhận được 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng. Trung Quốc, Nga, Pháp, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi đã ủng hộ Palestine cùng với các quốc gia A-rập, hầu hết các nước châu Á, Mỹ La-tinh và châu Phi. Trong khi đó, Mỹ, Israel, Canada, Đức phản đối còn Nhật và Anh bỏ phiếu trắng.
Bà Nuland cho rằng quyết định của UNESCO “rất đáng tiếc” và “vội vã”. Bà cũng bày tỏ lo ngại về sự mất ảnh hưởng của Mỹ và viễn cảnh tương tự lại xảy ra ở các cơ quan LHQ khác. Bà cho biết Nhà Trắng sẽ phải hội ý với Quốc hội Mỹ để tìm giải pháp bảo vệ các quyền lợi của nước này.
Trong khi đó Israel cho rằng việc bỏ phiếu vừa qua là “sự vận động đơn phương của Palestine và không tạo được sự thay đổi gì nhưng lại xóa đi khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình trong tương lai”. Bộ Ngoại giao của Israel cũng cho biết nước này sẽ xem xét lại các hoạt động phối hợp với UNESCO sắp tới.
Như vậy, UNESCO là cơ quan đầu tiên của LHQ mà Palestine giành được sự ủng hộ sau khi đệ trình đơn xin công nhận là quốc gia độc lập lên Hội đồng bảo an LHQ hồi tháng 9. Việc là thành viên của UNESCO được các nhà lãnh đạo Palestine xem như một “đòn bẩy” giúp nước này có được sự công nhận của quốc tế và tạo áp lực lên người láng giềng Israel. Hãng tin Mỹ AP cho biết một trong những động thái đầu tiên của Palestine là chuẩn bị nộp đơn xin UNESCO công nhận di sản thế giới cho một số nơi trên vùng đất của người Palestine đang bị Israel chiếm đóng, trong đó có Nhà thờ Giáng sinh tại Bethlehem.
Hội đồng bảo an LHQ dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc liệu có trao quy chế thành viên LHQ cho Palestine hay không trong tháng này.
THUẬN HẢI (Theo BBC, Reuters, AP)