Mỹ vừa xúc tiến kế hoạch mới nhằm giảm dân số tại al-Hol trong bối cảnh trại tị nạn ở Syria này đang trở thành “thiên đường” cho tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) chiêu mộ tân binh, âm mưu hồi sinh và thực hiện những chiến thuật tàn bạo nhất.
Mỹ lo ngại việc hàng chục ngàn trẻ em tại al-Hol rất dễ bị dụ dỗ bởi IS. Ảnh: AP
Theo 5 quan chức Mỹ, cốt lõi trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden là hợp tác với các quốc gia khác để hồi hương những người tị nạn tại al-Hol, trại tị nạn lớn nhất của Syria. Đến nay, 6 quốc gia châu Âu và Úc đã đồng ý đưa hàng chục công dân của họ tại al-Hol trở về nước trong những tuần tới.
Trại tị nạn al-Hol, mở cửa vào năm 1991 trong chiến tranh vùng Vịnh lần đầu, đã bùng nổ thành thảm họa nhân đạo và mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố quốc tế nghiêm trọng. Chính quyền ông Biden đã được cảnh báo về tốc độ phát triển của al-Hol, mà ở đó có hàng chục ngàn thân nhân của những thành viên IS và trở thành nơi sản sinh thế hệ tiếp theo của nhóm khủng bố này.
IS khai thác điều kiện sống kinh khủng
Mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố lớn dần trở thành cơn đau đầu chính trị cho ông Biden, tiềm ẩn nguy cơ làm xói mòn quyết tâm không cho phép IS hồi sinh. Bất chấp việc Mỹ giảm sự hiện diện quân đội ở nước ngoài, chủ nhân Nhà Trắng khăng khăng Washington có thể duy trì cuộc chiến chống khủng bố hiệu quả khi nhắc đến 2 chiến dịch trong năm nay: cuộc bố ráp tiêu diệt thủ lĩnh hàng đầu của IS tại Tây Bắc Syria và vụ không kích kết liễu thủ lĩnh al-Qaeda ở Afghanistan.
Tuy nhiên, tình hình tại al-Hol có nguy cơ xô đổ mọi thành quả trên. Trong 3 năm qua, trại tị nạn đã tăng dân số từ 10.000 lên gần 57.000 người hiện nay, trong đó 90% là phụ nữ và trẻ em. Khoảng 40.000 trẻ em là dưới 12 tuổi và mỗi tháng lại có ít nhất 80 bé chào đời. Đáng nói, 8.000 phụ nữ là “các phần tử thánh chiến và vợ, góa phụ của các chiến binh IS”. Trong số các cư dân tại al-Hol, ước tính có 28.000 người đến từ Iraq, 18.000 người đến từ Syria và hơn 10.000 người là công dân các nước khác.
Cư dân tại trại tị nạn sống trong những căn lều ọp ẹp, chịu nắng nóng và lạnh giá. Họ sống trong điều kiện vệ sinh kém và hạn chế trong tiếp cận nước máy. Nhiều khu vực của trại không thể kiểm soát được và IS, với sự tiếp tay của hàng ngàn phụ nữ vẫn còn trung thành với nhóm này, đang chiêu mộ các tay súng mới bằng cách cung cấp các dịch vụ cơ bản cho cư dân hoặc dùng vũ lực thu nạp họ.
Thách thức cho Washington
Mỹ không có giải pháp quân sự đối với al-Hol, thay vào đó là tìm cách ngăn chặn IS lớn mạnh thông qua con đường ngoại giao. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đang nghiên cứu kế hoạch, trong đó xem xét cải thiện điều kiện sống cho những người không thể rời khỏi trại tị nạn.
Mặt khác, Mỹ cũng đã cố gắng hồi hương tất cả công dân nước này tại trại tị nạn, nhưng một số quốc gia lưỡng lự làm điều tương tự bất chấp Washington nhiều năm ra sức thuyết phục. Nhiều trường hợp tại al-Hol không có hộ chiếu hoặc tài liệu khác chứng minh quốc tịch của mình, trong khi chính phủ các nước lo ngại những người này là phần tử ủng hộ IS hoặc từng là chiến binh, do vậy có thể đặt ra mối đe dọa bên trong đất nước họ.
Giới chức Mỹ hy vọng giảm dân số trại tị nạn về mức có thể kiểm soát được, song không đưa ra con số cụ thể. Tuy nhiên, Iraq là ưu tiên hàng đầu của Mỹ để đạt mục đích bởi gần 50% cư dân tại al-Hol là công dân Iraq. Đến nay, Iraq đã hồi hương gần 2.500 người. Nhóm dân số đông thứ hai tại đây là công dân Syria và thậm chí còn phức tạp hơn. Những công dân này không thể hồi hương bởi nơi họ từng sống đang bị Chính phủ Syria kiểm soát hoặc bản thân họ bị coi là người ủng hộ IS.
Sau sự sụp đổ của nhà nước Hồi giáo tự xưng hồi năm 2019, IS liên tục tìm cách tái hợp, trong đó có âm mưu tấn công trại al-Hol khi coi đây là mảnh đất chiêu mộ tân binh. Mới hồi tháng 9, IS đã tìm cách đánh bom tự sát nhắm vào al-Hol, nhưng bất thành. Gần đây, chiến dịch kéo dài 3 tuần tại al-Hol của Lực lượng Dân chủ Syria, đơn vị quản lý trại tị nạn, đã bắt giữ 300 tay súng IS, phát hiện nhiều hầm chứa vũ khí và giải tán “một mạng lưới hỗ trợ IS”.
HẠNH NGUYÊN (Theo NBC News, CNN)