03/10/2019 - 21:52

Mỹ thờ ơ, nhiều nước ra sức thu hút sinh viên Trung Quốc 

Tại trung tâm tài chính Sydney (Úc), các phòng học được tân trang lại của Học viện King’s Own (KOI) đã sẵn sàng tiếp đón một lượng lớn sinh viên. Ở đây, những chiếc bàn đều được trang bị máy tính để bàn Dell hay máy tính xách tay Lenovo. Song, đáng chú ý là rất ít sinh viên xứ chuột túi xuất hiện trong khuôn viên trường.

Sinh viên Trung Quốc tại Úc. Ảnh: SCMP

Với hơn 2.400 sinh viên theo học lấy bằng cử nhân hoặc thạc sĩ trong các lĩnh vực như kinh doanh, kế toán, công nghệ thông tin mà hầu hết trong số họ đến từ nước ngoài, KOI dẫn đầu danh sách các trường trên toàn thế giới ra sức thu hút sinh viên Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ không còn mặn mà trong việc lôi kéo sinh viên đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới. Mới đây, một thỏa thuận được cho sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn của KOI ở Trung Quốc khi China Education Group Holdings Ltd., nhà điều hành 9 trường đại học và cao đẳng tại Trung Quốc, tuyên bố đã mua lại KOI với giá 86 triệu USD. Trước đó, Bright Scholar Education Holdings có trụ sở tại Trung Quốc cũng đã mua lại nhiều trường ở Anh, Canada và Mỹ. Động thái này của các công ty giáo dục Trung Quốc được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sinh viên và phụ huynh Trung Quốc, vốn luôn nghĩ rằng bằng cấp ở nước ngoài sẽ mang đến nhiều lợi thế hơn trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh của Trung Quốc.

Từ lâu, Mỹ được xem là điểm đến du học phổ biến nhất của sinh viên Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi nổ ra thương chiến Mỹ-Trung, cũng như sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump hạn chế cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc trước lo ngại gián điệp đóng giả sinh viên hoặc nhà nghiên cứu, việc theo học tại xứ cờ hoa của sinh viên Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, buộc họ phải cân nhắc theo học tại các trường ở những quốc gia nói tiếng Anh khác vốn có nhiều đãi ngộ dành cho sinh viên nước ngoài.

Theo Dịch vụ Tuyển sinh Đại học và Cao đẳng, tổ chức phi lợi nhuận hợp tác với gần 400 trường học ở Anh, số sinh viên sau đại học Trung Quốc được các trường xứ sương mù nhận vào hồi năm ngoái tăng 10,4%, đạt mức 10.180 người, còn tổng số sinh viên Trung Quốc đăng ký theo học tại nước này tăng 30%, với hơn 19.700 hồ sơ. Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi tháng rồi tuyên bố sẽ sớm cho phép sinh viên nước ngoài theo học tại Anh ở lại làm việc trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp, trái ngược với chính sách hồi năm 2012, trong đó buộc sinh viên phải rời khỏi nước này trong vòng 4 tháng sau khi hoàn thành việc học. Trong khi đó, Canada hồi tháng 2 cho biết sẽ triển khai một chính sách được cho sẽ giúp sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại các trường ở đây dễ dàng nhận được giấy phép làm việc. Còn tại Úc, chính phủ hồi tháng 6 đã cấp thị thực làm việc cho 64.000 sinh viên nước ngoài tốt nghiệp, gấp 3 lần so với năm 2014.

Dẫu vậy, sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm 1/3 tổng số sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ, đóng góp cho nền kinh tế nước này 22 tỉ USD hồi năm ngoái. Song, sức hấp dẫn của Mỹ đối với họ ngày càng giảm dần. Dữ liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy, nước này chỉ cấp 101.000 thị thực du học cho sinh viên Trung Quốc trong năm tài chính 2018, giảm nhiều so với  con số 152.000 năm 2016.

TRÍ VĂN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết