02/08/2012 - 22:11

Mỹ tăng cường tiềm lực quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương

Tàu ngầm tấn công USS Hampton cặp bên hông chiến hạm USS Frank Cable trên Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters 

Dẫn lời phát biểu của một quan chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, hãng tin Anh Reuters hôm qua cho biết Lầu Năm Góc đang cân nhắc kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương bằng cách triển khai thêm một loạt máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công. Động thái trên được cho nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của quân đội Mỹ, đối phó những thách thức an ninh trong khu vực.

Theo Reuters, Mỹ đang muốn thoát khỏi vũng lầy sau cuộc chiến kéo dài 10 năm tại Iraq và Afghanistan bằng các chiến lược tập trung nguồn lực quân sự, ngoại giao và kinh tế vào khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ cần phải cân nhắc vấn đề dựa trên tầm nhìn toàn cầu và tính đến các yếu tố cạnh tranh khác. Phát biểu trước các nhà lập pháp, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Scher lên tiếng: “Chúng tôi sẽ xem xét về việc triển khai thêm nhiều khí tài đến khu căn cứ chiến lược Guam ở phía Tây Thái Bình Dương dựa trên đề xuất trong bản báo cáo đánh giá thế lực của quân đội Mỹ trong khu vực do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) đưa ra hồi tuần trước”.

Úc bác đề xuất cho Mỹ lập căn cứ tàu chiến

Chính phủ Úc hôm qua đã bác bỏ đề xuất cho phép Mỹ lập căn cứ tàu chiến tại bang Tây Úc. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith khẳng định Mỹ sẽ không có căn cứ quân sự như vậy tại Úc, các tàu sân bay của Mỹ sẽ không đóng tại Úc mặc dù có thể lưu trú tại HMAS Stirling, căn cứ hải quân của Úc tại Ấn Độ Dương, trong thời gian dài. Theo đề xuất của Mỹ, căn cứ tàu chiến có thể bao gồm 1 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng chở 9 máy bay chiến đấu, 2 tàu tuần tiễu, 2 - 3 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, 1 - 2 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và một số tàu hậu cần. Ngân sách đảm bảo cho hạm đội này có thể lên tới 6 tỉ USD.
Tuy nhiên, ông Smith vẫn đánh giá cao việc Mỹ chuyển hướng trọng tâm quân sự sang châu Á-Thái Bình Dương, coi đây là động thái cần thiết góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.

CSIS cho rằng Mỹ “cần tăng thêm nhiều tàu ngầm tấn công đến Guam để tạo lợi thế quan trọng nhằm đối phó với công nghệ kiềm giữ Mỹ từ phía Trung Quốc”. Ngoài ra, CSIS còn đề nghị triển khai phi đội gồm 12 chiếc B-52 đến Guam thay vì luân phiên từ các căn cứ trong nội địa như hiện nay. Hiện tại, không quân Mỹ đang sử dụng căn cứ Andersen với một đơn vị máy bay ném bom B-52 luân phiên, cùng lực lượng chủ chốt gồm 3 tàu ngầm tấn công trên đảo Guam.

Trong một văn bản trình Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ cùng trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Scher cho biết Lầu Năm Góc đã đồng ý với bản đánh giá của CSIS rằng “đó là một cơ hội để tăng cường sức mạnh tại Guam cũng như gởi tín hiệu quan trọng đến khu vực châu Á- Thái Bình Dương” .

Trước đó, kế hoạch “tái cân bằng” lực lượng hải quân Mỹ được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đưa ra vào tháng 6 cũng cho thấy Washington đang “ưu ái” khu vực này khi tỷ lệ vùng Thái Bình Dương so với Đại Tây Dương từ 50:50 trước đây đã chuyển sang 60:40. Mặc dù không đề cập kế hoạch cụ thể, nhưng theo các quan chức thì lực lượng tăng cường đều là tàu mới.

Ông Scher còn cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với Philippines theo hiệp ước đồng minh để triển khai thêm lực lượng đến các “khu vực ưu tiên” nhằm mục đích tăng cường vấn đề an ninh hàng hải.

VI VI (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết