Theo các quan chức an ninh Mỹ, dự án chế tạo phiên bản mới của bom hạt nhân trọng lực B61 có thể hoàn thành sản phẩm đầu tiên trong năm tài chính 2025. Quả bom được định danh B61-13 dự kiến có sức công phá gấp 24 lần quả bom thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Mỹ thử nghiệm một quả bom B61-12. Ảnh: DOD
Trả lời phỏng vấn trang tin Fox News, người phát ngôn Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) cho biết dự án là một trong 7 chương trình hiện đại hóa đầu đạn nhằm đảm bảo độ tin cậy và hiệu quả của kho vũ khí hạt nhân. Trước đó, Lầu Năm Góc xác định việc chế tạo bom hạt nhân trọng lực mới giúp tăng cường khả năng răn đe, đáp ứng môi trường an ninh đang thay đổi. Theo đó, quân đội Mỹ cần hiện đại hóa lực lượng hạt nhân trong bối cảnh các đối thủ như Trung Quốc và Nga tiếp tục mở rộng kho vũ khí nguyên tử.
Hiện B61-13 được đưa vào sản xuất giai đoạn đầu sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch để ứng phó các mối đe dọa an ninh gia tăng trên toàn cầu. Theo ước tính, chương trình phát triển và sản xuất đầu đạn B61-13 sẽ hoàn thiện vào năm 2028 với ngân sách dự kiến khoảng 92 triệu USD. Trong đó, NNSA đã triển khai hàng loạt các cải tiến kỹ thuật, đồng thời tận dụng các tính năng an toàn, bảo mật và độ chính xác cao từ chương trình nâng cấp B61-12 để tối ưu hóa sản xuất.
Theo các thông tin kỹ thuật được tiết lộ, vũ khí mới sẽ kết hợp các đầu đạn giống như loại B61-7 của những năm 1980 và 1990 bên trong kiểu vỏ và bộ đuôi như loại bom trọng lực dẫn đường mới nhất được bổ sung vào kho vũ khí của quân đội. Ngoài ra, B61-13 có sức công phá tương tự như B61-7 và cao hơn B61-12, cung cấp thêm nhiều lựa chọn để tấn công các mục tiêu quân sự khó khăn và diện tích lớn.
Trong phân tích cụ thể, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima có sức công phá khoảng 15 kiloton trong khi B61-7 có sức công phá tối đa 360 kiloton còn B61-12 khoảng 50 kiloton. Như vậy, B61-13 mạnh hơn 24 lần so với quả bom thả xuống Hiroshima và gấp 14 lần so với quả bom thả xuống Nagasaki. Hiện tại, Lầu Năm Góc cho biết B61-13 thích ứng với các máy bay hiện đại, bao gồm máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-21 Raider mà tập đoàn Northrop Grumman đang phát triển cho Không quân Mỹ. Cơ quan này không có kế hoạch triển khai loại bom mới trên máy bay chiến đấu tàng hình tấn công tầm xa F-35.
Vai trò trong chiến lược quân sự Mỹ
Dự án chế tạo bom hạt nhân trọng lực mới diễn ra giữa thời điểm Lầu Năm Góc nỗ lực loại bỏ các loại bom cũ như B61-7 và đặc biệt là bom nhiệt hạch trọng lực khổng lồ B83-1. Quyết định này được xem như sự thỏa hiệp nhằm phá vỡ bất đồng kéo dài nhiều năm giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa về số phận của B83-1 đã tồn tại 4 thập kỷ.
Dài 3,7 m và nặng khoảng 1,1 tấn, B83-1 là quả bom megaton cuối cùng còn lại trong kho vũ khí hạt nhân Mỹ với lực nổ lớn hơn khoảng 80 lần so với quả bom thả xuống Hiroshima. Nhiệm vụ của nó là xóa sổ các địa điểm quân sự kiên cố và các boongke chỉ huy. Trong thời gian tại chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tìm cách loại bỏ B83-1 khỏi kho vũ khí hạt nhân nước này nhưng quyết định trên bị đảo ngược trong thời gian người kế nhiệm Donald Trump ở Nhà Trắng. Nỗ lực loại biên dòng bom B83-1 được hồi sinh dưới thời Tổng thống Joe Biden, nhưng sau đó vấp phải phản đối của các nhà lập pháp Cộng hòa với lý do loại bom này là yếu tố cần thiết để tấn công các mục tiêu kiên cố nằm sâu dưới lòng đất.
Để trấn an những người theo đường lối cứng rắn trong Quốc hội, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành chế tạo B61-13 vừa đảm bảo sức công phá cao vừa giảm chi phí nếu so với việc bảo dưỡng dòng bom B83-1. Kế hoạch cũng không làm tăng tổng thể quy mô kho dự trữ vũ khí do cơ quan này chuẩn bị giảm số lượng B61-12 và thay thế bằng B61-13 mới chế tạo.
MAI QUYÊN (Theo Economic Times, Defense News)