09/06/2019 - 06:12

Mỹ sắp có vũ khí dưới nước tối tân 

Trong tương lai không xa, Hải quân Mỹ sẽ sở hữu thiết bị không người lái dưới nước  (UUV) cực lớn, được cho là một trong những vũ khí dưới nước tinh vi nhất từ trước tới nay.

Tàu tự hành Echo Voyager. Ảnh: Daily Mail

Tàu tự hành Echo Voyager. Ảnh: Daily Mail

Năm 2017, Hải quân Mỹ đã tổ chức cuộc thi thiết kế UUV cực lớn Orca với giải thưởng khoảng 40 triệu USD cho hai đối thủ là liên danh Boeing-Huntington Ingalls Industries (HII) và Lockheed Martin. Đến tháng 3 vừa qua, họ chính thức công bố kết quả cuộc thi và đồng ý rót thêm 3 triệu USD để “gã khổng lồ” hàng không Boeing bắt tay vào việc chế tạo, thử nghiệm và cung cấp 4 tàu ​​ tự hành Orca.

Thiết kế tàu Orca dựa trên hai chiếc UUV Echo Voyager và Echo Ranger trước đây. Voyager dài hơn 25m và nặng 50 tấn, cho phép chở nhiều loại thiết bị khác nhau. Voyager sử dụng các động cơ lai diesel - điện để vận hành và được phóng đi/thu hồi từ cầu cảng. Thiết bị này có thể hoạt động trên biển trong nhiều tháng, trước khi phải nổi lên mặt nước để lấy không khí cung cấp năng lượng cho các động cơ diesel (rồi lại sạc pin). Voyager có tầm hoạt động hơn 6.500 hải lý và đạt vận tốc tối đa gần 15km/h. Voyager cũng được trang bị hệ thống tránh chướng ngại vật cũng như hệ thống dẫn đường quán tính. “Quái vật” này đã trải qua hơn 2.500 giờ thử nghiệm dưới biển. Dù vậy, khác biệt là Orca sử dụng một động cơ đẩy, thay vì chân vịt như ở Voyager. Điều này giúp cải thiện hiệu quả đẩy và giảm tiếng ồn, trong đó yếu tố thứ hai đặc biệt quan trọng đối với tàu quân sự dưới nước.

Orca sẽ được trang bị các cảm biến công nghệ cao và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ dưới mặt nước để hỗ trợ tàu chiến có người lái ở độ sâu lên tới 3,5km. Dù vậy, giới phân tích cho rằng đừng mong đợi các UUV này sẽ sớm hoạt động theo cách rình mò trên biển để tấn công kẻ địch. Theo đó, ban đầu Orca sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ như vận tải, lập bản đồ đáy đại dương, thu thập thông tin tình báo và lắp đặt hoặc gỡ mìn để dọn đường cho các tàu ngầm đi qua. Nhưng nếu cần, các tàu robot này cũng có thể chở vũ khí và phóng ngư lôi Mk.46, Mk.48 hay thậm chí là tên lửa diệt hạm. Đối với nhiệm vụ như chiến tranh chống ngầm, hàng chục chiếc Orca với chi phí thấp có thể “đánh hội đồng” tại một khu vực tốt hơn một tàu chiến mặt nước hoặc tàu ngầm có người lái.

Chiến lược phát triển Orca là tạo ra một thiết bị không người lái đa nhiệm và có thể nâng cấp để nhanh chóng tích hợp công nghệ mới. Nhờ vậy, trong tương lai Hải quân Mỹ sẽ không phải chế tạo thêm các UUV mới. Trong ngân sách đề xuất năm 2020, Hải quân Mỹ yêu cầu Quốc hội chi số tiền lên tới 359 triệu USD cho các UUV, trong đó 182 triệu USD để phát triển, chế tạo và thử nghiệm tàu  tự hành Orca.

THANH BÌNH (Theo Daily Mail, AP)

Chia sẻ bài viết