30/07/2020 - 18:02

Mỹ rút quân khỏi Đức, Nga hưởng lợi? 

Trong khi Lầu Năm Góc lý giải việc rút khoảng 12.000 binh sĩ đồn trú tại Đức là một phần của kế hoạch chiến lược tái bố trí lực lượng Mỹ ở châu Âu, các chuyên gia quân sự coi đây là cơ hội để Nga gia tăng ảnh hưởng ở khu vực.

Ramstein - căn cứ Không quân quan trọng của Mỹ tại Đức. Ảnh: Wikipedia

Sự hiện diện của quân Mỹ tại Ðức được xem là “di sản” của lịch sử khi phe Ðồng minh tiến hành kiểm soát lãnh thổ quốc gia Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ðây cũng là một trong số “đại bản doanh” lớn nhất của lực lượng Mỹ ở nước ngoài, chỉ xếp sau Nhật Bản về quân số; giữ vai trò trung tâm hậu cần cho các hoạt động quan trọng của Lầu Năm Góc trên khắp châu Âu, Trung Ðông, châu Phi và nhiều khu vực khác.

Nhưng theo thông báo mới nhất từ Bộ Quốc phòng Mỹ, nước này sẽ rút 11.900 binh sĩ khỏi Ðức với một nửa được thuyên chuyển đến những quốc gia đồng minh khác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Cụ thể, phi đội chiến đấu cơ F-16 dự kiến điều đến Ý trong khi các đơn vị bộ binh dời sang Ba Lan. Ðặc biệt, cơ quan đầu não của Mỹ chỉ huy hoạt động tại châu Âu và châu Phi dự kiến chuyển sang Bỉ. Lực lượng còn lại sẽ trở về nước nhưng vẫn thuộc diện điều động luân phiên trong các đợt triển khai tạm thời tới châu Âu sau này.

Norbert Roettgen, Chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại Hạ viện Ðức và là đồng minh của Thủ tướng Angela Merkel, cảnh báo Mỹ rút quân khỏi nước này là “tính toán sai lầm” làm suy yếu quan hệ trong NATO. Ðộng thái trên cũng vấp phải chỉ trích tại Quốc hội Mỹ. Trong khi thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney mô tả đây là “sai lầm nghiêm trọng và cái tát vào mặt đồng minh”, nghị sĩ Dân chủ Jack Reed nói rằng Washington đang tự làm tổn hại lợi ích chính mình. Giới chức quân đội trong nước cũng phản đối quyết định của Nhà Trắng. Cựu Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, Tướng Mark Hertling, cho biết ông không hiểu nổi cách giải thích vô lý của chính quyền đối với quyết định không hề mang lại lợi ích chiến lược nào mà còn tổn hại tính toàn vẹn của NATO, làm lợi cho Nga. Theo nhiều chuyên gia quân sự, việc loại bỏ sự hiện diện ở Ðức còn ảnh hưởng tốc độ Lầu Năm Góc triển khai quân và thiết bị ở châu Âu cùng nhiều nơi khác, giảm thêm một lợi thế trước Mát-xcơ-va.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 29-7 đảm bảo những thay đổi tích cực và mang tầm chiến lược quan trọng này vẫn chú trọng nguyên tắc cốt lõi, đó là tăng cường sức mạnh răn đe của Mỹ cùng NATO để ngăn Nga mở rộng can thiệp ở châu Âu. Trong tuyên bố có thể chọc giận Ðiện Kremlin, ông Esper để ngỏ khả năng tái bố trí quân Mỹ tới Biển Ðen và một số nước vùng Baltic. Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda lập tức nói rằng họ sẵn sàng chào đón lực lượng Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không đề cập điều này khi xác định việc giảm bớt lực lượng đơn giản vì Ðức không thanh toán các chi phí quân sự theo yêu cầu. Trước đó, ông Trump liên tục chỉ trích chính quyền Thủ tướng Merkel không đạt mục tiêu của NATO chi 2% GDP cho quốc phòng. Nhưng nếu xét điều này, đóng góp thực tế của Ý và Bỉ còn thấp hơn cả Ðức. Ngoài chi phí quân sự, Tổng thống Trump còn mâu thuẫn với Berlin về dự án đường ống Nord Stream 2 nối từ Nga sang Ðức để cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Hiện kế hoạch rút quân của Mỹ chưa xác định cụ thể thời gian và dự kiến tiêu tốn hàng tỉ USD. Với những lợi - hại đã nêu, giới quan sát cho rằng Washington không do dự tuyên bố rút quân còn là vì bất hòa lâu nay giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Merkel.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết