08/11/2017 - 14:41

Mỹ phô diễn sức mạnh trên Thái Bình Dương 

Giới chức Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang triển khai 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đến Tây Thái Bình Dương để chuẩn bị cho các cuộc tập trận chung vào những ngày tới.

Nói trong điều kiện giấu tên, một số quan chức Mỹ xác định các tàu sân bay tham gia diễn tập gồm USS Nimitz điều động từ Ấn Độ Dương, Theodore Roosevelt từ căn cứ Guam và Ronald Reagan đang hiện diện ở Nhật Bản. Cùng với các tàu sân bay là phi đội hơn 100 máy bay ném bom Hornet, 12 máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye và 60 trực thăng. Ngoài 18 khu trục hạm và tuần dương hạm hộ tống, quân đội Mỹ còn triển khai số lượng không rõ tàu ngầm tấn công để săn tìm bất kỳ mối đe dọa nào, theo Reuters. Hiện tại, giới chức Mỹ vẫn chưa tiết lộ chính xác địa điểm và thời gian tiến hành tập trận.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tại vùng biển Okinawa, phía Tây Nam bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Hàng không mẫu hạm Mỹ hiện diện tại Thái Bình Dương không phải sự kiện bất thường nhưng việc 3 tàu sân bay tập trận chung trong khu vực lại là lần đầu tiên kể từ năm 2007. Theo giới quan sát, đây là “thông điệp nhắc nhở” về khả năng huy động sức mạnh quân sự chớp nhoáng của quân đội Mỹ - điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn nhấn mạnh trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên đang đẩy mạnh thử nghiệm vũ khí nhằm sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể tiếp cận lục địa Mỹ.

Động thái này cũng diễn ra giữa lúc Tổng thống Trump đang có chuyến công du châu Á và mang theo thông điệp cứng rắn về mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Tuy không rõ Tổng thống Trump có kế hoạch thăm tàu sân bay Mỹ hay không, nhưng sự hiện diện cùng lúc của các tài sản chiến lược Mỹ trong khu vực được xem là hành động trấn an đồng minh.

Tổng thống Trump hôm 7-11 đã tới Hàn Quốc. Theo Nhà Trắng, chuyến đi của ông Trump nhằm thắt chặt liên minh quân sự với đồng minh Đông Bắc Á, đồng thời thể hiện sự kiên quyết của Mỹ trong việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. “Sau tất cả, mọi việc sẽ tiến triển và phải được giải quyết” – ông Trump đề cập vấn đề Triều Tiên trong cuộc gặp với các chỉ huy quân sự tại căn cứ Humphreys của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Trong cuộc hội đàm sau đó với Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in, lãnh đạo Mỹ đã ca ngợi Tổng thống Moon và hoan nghênh ông chủ Nhà Xanh vì “sự hợp tác sâu rộng” giữa hai quốc gia.

Dù vậy, Reuters cho rằng cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump nhằm gây áp lực lên Bình Nhưỡng đang dấy lên quan ngại trong khu vực về nguy cơ xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó tại Nhật Bản, Tổng thống Trump sau cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe đã tái khẳng định “kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên đã chấm dứt và liên minh Mỹ - Nhật đang hợp tác để chống lại “sự gây hấn nguy hiểm”. Theo ông Trump, việc Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo ngang qua không phận Nhật Bản thời gian gần đây đang trở thành “mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định quốc tế”. Qua đây, ông chủ Nhà Trắng gợi ý Tokyo mua vũ khí Mỹ để củng cố năng lực bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Trong diễn biến có liên quan, Tổng thống Trump ngày 6-11 đã yêu cầu Quốc hội Mỹ về khoản ngân sách quốc phòng bổ sung 5,9 tỉ USD cho năm tới. Trong đó, 4 tỉ USD được dùng để hỗ trợ năng lực phát hiện, tiêu diệt và phòng thủ tên lửa trước bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết