12/01/2023 - 20:01

Mỹ - Nhật tăng cường đối phó Trung Quốc 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, CNN)

Trước môi trường an ninh khu vực ngày càng bị thách thức, cuộc họp ngoại giao và quốc phòng “2+2” giữa các bộ trưởng Mỹ - Nhật Bản đã thống nhất tầm nhìn về việc thúc đẩy hơn nữa nỗ lực tăng cường phòng thủ dựa trên các chiến lược an ninh mới.

Trong khuôn khổ cuộc họp thường niên của Ủy ban Tham vấn An ninh Mỹ - Nhật, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada ngày 11-1 đã có buổi hội đàm với hai người đồng cấp Mỹ Antony Blinken cùng Lloyd Austin tại thủ đô Washington.

Các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Mỹ. Ảnh: AP

Sự kiện trên diễn ra sau khi Mỹ và Nhật Bản từ tháng 10 năm ngoái lần lượt đưa ra các chiến lược an ninh quốc gia mới. Phát biểu trong cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Blinken cho biết thông qua sách lược quốc phòng đã công bố, hai nước đạt được sự thống nhất chưa từng có về “tầm nhìn, ưu tiên và mục tiêu quốc phòng”. Dựa vào đây, hai bên quyết tâm thúc đẩy các sáng kiến ​​hiện đại hóa, bao gồm việc mở rộng phạm vi hiệp ước an ninh trong lĩnh vực không gian để xây dựng một liên minh có năng lực, hội nhập và nhanh nhẹn hơn nhằm tăng cường khả năng răn đe, giải quyết các thách thức an ninh đang gia tăng trong khu vực và trên toàn cầu.

Trước đó, tuyên bố chung của các bộ trưởng cho biết Trung Quốc đang tìm cách định hình lại trật tự quốc tế và hành vi này khiến Bắc Kinh trở thành thách thức chiến lược chung lớn nhất mà Mỹ, Nhật Bản cùng các đồng minh và đối tác phải đối mặt; là mối đe dọa nghiêm trọng ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và toàn bộ cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh như vậy, Bộ trưởng Austin tại cuộc họp báo công bố kế hoạch cải tổ đơn vị Thủy quân lục chiến đóng tại Nhật Bản thành trung đoàn duyên hải, tập trung vào tình báo, giám sát và vận chuyển nhanh quân cùng thiết bị quân sự. Ðơn vị còn được tăng cường đáng kể năng lực chống hạm. Khi hoàn thành vào năm 2025, đây sẽ là trung đoàn duyên hải thứ 2 của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc hiện có một trung đoàn tương tự ở Hawaii và trung đoàn thứ 3 nếu thành lập có thể đồn trú ở đảo Guam.

Mặc dù tổng số binh lính ở Nhật Bản sẽ không thay đổi, nhưng đợt triển khai mới này có thể là bước đầu tiên trong chiến lược điều chỉnh tư thế quân sự của Mỹ ở Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung, phản ánh mong muốn chuyển từ các cuộc chiến ở Trung Ðông sang khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Sự thay đổi này đồng thời phát tín hiệu tới Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải suy nghĩ kỹ trước khi bắt đầu bất kỳ cuộc xung đột nào. Và để tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ ở Ðông Á trước nỗ lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng khu vực, Hãng tin Reuters cho biết Lầu Năm Góc còn đề xuất thành lập đơn vị phản ứng nhanh mới vào mùa xuân này nhằm giúp đồng minh bảo vệ các đảo xa. Ngoài ra, tuyên bố chung của các bộ trưởng còn xác nhận kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng dùng chung như căn cứ, cảng và sân bay để tăng cường phòng thủ ở các khu vực phía Nam và phía Tây Nhật Bản, cũng như đối phó nguy cơ khủng hoảng ở Ðài Loan.

Ðược biết, sau buổi hội đàm, Bộ trưởng Austin đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Hamada trong cuộc họp riêng ở Lầu Năm Góc, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào hôm nay (13-1). Chương trình nghị sự tập trung vào bản sửa đổi đầu tiên của Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Nhật - Mỹ kể từ năm 2015, cho phép hai đồng minh đưa ra phản ứng chung dựa trên năng lực phản công của Tokyo. Các nhà lãnh đạo cũng có thể trao đổi quan điểm về các chính sách kinh tế và tiền tệ.

Chia sẻ bài viết