25/07/2013 - 15:09

Mỹ: Nhà Trắng “không muốn” hạn chế hoạt động của NSA

 Đồi Capitol đang chứng kiến 2 luồng ý trái chiều về hoạt động nghe lén trên quy mô lớn của NSA. Ảnh: dw.com

Hôm 23-7, Chính quyền Tổng thống Obama đã lên tiếng thúc giục các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ loại bỏ tính pháp lý được cho có thể hạn chế khả năng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trong việc thu thập dữ liệu điện thoại của hàng triệu người dân ở xứ cờ hoa.

Trước đó cùng ngày, Hạ viện Mỹ đã công bố sơ lược bản sửa đổi về dự thảo chi tiêu quốc phòng trị giá 598,3 tỉ USD cho năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1-10 tới. Đáng chú ý là bản sửa đổi, vốn trải qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào cuối ngày 24-7, có thể dẫn đến việc hạn chế NSA, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và các cơ quan khác dựa vào Mục 215 của Luật Yêu nước “để thu thập dữ liệu điện thoại của cá nhân không thuộc diện điều tra về chủ nghĩa khủng bố toàn cầu hay tình báo nước ngoài”.

Được đề xuất lần đầu bởi nghị sĩ đảng Cộng hòa Justin Amash- người chỉ trích gay gắt các hoạt động do thám của NSA, bản sửa đổi có thể vẫn cho phép NSA thu thập dữ liệu, song với điều kiện Tòa án giám sát tình báo nước ngoài ra văn bản yêu cầu họ thu thập dữ liệu của một đối tượng đang bị điều tra. Ngược lại, NSA sẽ bị cắt ngân sách hoạt động.

Đề xuất của Amash ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt của những “người trong cuộc”. Từ Nhà Trắng, phát ngôn viên Jay Carney cho biết chính quyền Obama hoan nghênh cuộc tranh luận về quyền riêng tư và an ninh quốc gia, song phản đối đề xuất mà ông chủ Nhà Trắng cho là hành động “hấp tấp bỏ đi một công cụ chống chủ nghĩa khủng bố của cộng đồng tình báo”.

Tính chất nghiêm trọng của vấn đề còn có thể thấy qua việc Giám đốc NSA Keith Alexander đã phải triệu tập cuộc họp bất thường cùng ngày được cho là “tối mật” tại Đồi Capitol với sự góp mặt của các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa nhằm vận động hành lang bác bỏ bản sửa đổi của Amash. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers cùng nghị sĩ Dutch Ruppersberger cảnh báo việc giới hạn quyền lực pháp lý của NSA “có thể sẽ đặt quốc gia vào nguy cơ của một cuộc tấn công khủng bố”.

Ngược lại, đề xuất của Amash cũng nhận được không ít sự hưởng ứng tích cực từ các thành viên thuộc phong trào đảng Trà (Tea Party) và những nghị sĩ đảng Dân chủ, trong đó có thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện Ron Wyden.

“Sóng gió” trong Quốc hội Mỹ nổ ra chỉ 6 tuần sau khi cựu nhân viên NSA Edward Snowden phanh phui các tài liệu mật cho thấy NSA đã thu thập lượng lớn dữ liệu điện thoại và Internet của hàng triệu người dân bên trong lẫn ngoài nước Mỹ, gây ra làn sóng phẫn nộ dữ dội từ dân chúng cũng như sự phản đối của chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới.

    THANH BÌNH (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết