07/09/2013 - 21:32

Mỹ lo ngại bị tấn công tại nhiều nước

Tổng thống Obama trở về Nhà Trắng sau hội nghị tại Nga. Ảnh: AP

Chính quyền Tổng thống Barack Obama nhiều khả năng vẫn tấn công Syrie ngay cả khi bị Quốc hội Mỹ phủ quyết và bất chấp an ninh cũng như lợi ích của Mỹ tại nhiều nước đang bị đe dọa trước ngày tưởng niệm 12 năm vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng 11-9-2001. 

Ngoại trưởng Mỹ đi thuyết khách

Ngoại trưởng John Kerry ngày 7-9 đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài lần thứ 14 trong vòng 7 tháng qua tại Thủ đô Vilnius của Lít-va nhằm thuyết phục lãnh đạo nước chủ nhà và các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đang nhóm họp tại đây ủng hộ và tham gia chiến dịch tấn công Syrie của Mỹ. Tối cùng ngày và sáng 8-9, ông Kerry gặp các nhà lãnh đạo Pháp và ngoại trưởng các nước Liên đoàn A-rập tại Thủ đô Paris, trước khi sang Luân Đôn (Anh) chiều nay. Ông dự kiến thăm Roma (Ý) và có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại đây ngày 9-9 trước khi trở về Washington.

Trước khi đi Vilnius, trả lời phỏng vấn báo The Huffington Post, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Tổng thống Obama, với tư cách là tổng tư lệnh quân đội Mỹ, có quyền tấn công Syrie mà không cần sự phê chuẩn của quốc hội. Sau khi bị nhiều nhà lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Saint-Petersburg (Nga) gây sức ép từ bỏ kế hoạch quân sự chống Syrie, ông chủ Nhà Trắng vẫn kiên định lập của mình với lập luận có 11 nước kêu gọi phải có hành động mạnh mẽ vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21-8. Ông Obama từ chối xác định có quyết tấn công Syrie nếu Quốc hội Mỹ bác bỏ hay không.

Theo thống kê của tờ Washington Post, tại Thượng viện Mỹ gồm 100 ghế do phe Dân chủ chiếm đa số, có 23 người ủng hộ chiến tranh, 17 người phản đối, còn lại đang đắn đo. Hạ viện gồm 435 thành viên chỉ có 25 người hậu thuẫn chiến dịch quân sự, trong khi có tới 106 người đã lên tiếng phản đối.

Hiện tại, theo hãng tin Reuters ngày 7-9, giới tình báo Mỹ và đồng minh chưa thể tìm kiếm được bằng chứng cho thấy Tổng thống Syrie Bashar al-Assad hoặc quan chức cấp dưới có liên quan trực tiếp đến vụ tấn công bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học ở khu vực gần Thủ đô Damas. Tuy nhiên, ông Obama cho rằng bất kỳ ai và bên nào sử dụng vũ khí hóa học thì ông al-Assad cũng phải chịu trách nhiệm(?).

Tổng thống Obama dự kiến sẽ có bài phát biểu gởi thông điệp chính thức tới quốc hội, nhân dân Mỹ và các nước đồng minh về vấn đề Syrie ngày 10-9.

Mối lo khủng bố bao trùm

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa yêu cầu tất cả nhân viên ngoại giao không cần thiết và công dân Mỹ tại Liban phải rời khỏi nước này ngay từ ngày 7-9, bởi chính quyền Beirut không có khả năng bảo vệ an ninh cho người Mỹ. Tháng 4-1983, đại sứ quán Mỹ tại Beirut từng bị tấn công làm 63 người thiệt mạng. Sáu tháng sau đó, những kẻ đánh bom tự sát tấn công vào doanh trại của quân đội Mỹ và Pháp tại Beirut khiến 241 lính thủy đánh bộ Mỹ và 58 lính nhảy dù Pháp tử vong.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra thông báo tương tự tại Adana, thành phố giáp biên giới Syrie ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan này cũng có khuyến cáo mới công dân Mỹ không nên đi du lịch tới Pakistan.

Hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ đã đóng cửa hơn 20 đại sứ quán và lãnh sự quán tại khắp Trung Đông và châu Phi vì những mối đe dọa khủng bố tiềm ẩn. Trong đó, đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Sanaa của Yemen phải đóng cửa hơn 2 tuần. Al-Qaeda được cho là lý do chính khiến Mỹ có hành động khẩn cấp như vậy.

Riêng động thái mới có thể liên quan đến ngày tưởng niệm 12 năm xảy ra vụ khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ và kể cả kế hoạch tấn công Syrie của chính quyền Obama. Các nhóm al-Qaeda đã “im hơi lặng tiếng” từ nhiều tuần qua, nhưng có thể là sự chuẩn bị âm thầm cho kế hoạch ngày 11-9 tới. Mỹ cũng quan ngại các tay súng của phong trào vũ trang Hồi giáo Hezbollah tại Liban sẽ phát động chiến dịch “đánh lẻ” để chia sẻ với chính phủ Syrie nếu bị Mỹ tấn công.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết