07/08/2021 - 20:36

Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 28

Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi khiêu khích ở Biển Đông 

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) lần thứ 54 và các hội nghị liên quan, tối 6-8 (giờ Việt Nam), Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 28 (ARF-28) đã diễn ra trực tuyến với sự tham gia của 27 nước và tổ chức thành viên. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

ARF được coi là hội nghị chính trị và an ninh lớn nhất ở khu vực châu Á. Ðây cũng là diễn đàn đa phương hiếm hoi có sự góp mặt của Triều Tiên. Ðại dịch COVID-19, tình hình căng thẳng ở Biển Ðông và Biển Hoa Ðông, tiến trình chính trị ở Myanmar, hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, sáng kiến xây dựng khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa là những vấn đề trọng tâm của hội nghị ARF-28.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Lập trường nguyên tắc của Việt Nam và ASEAN

Tại hội nghị, các nước nhất trí cần nỗ lực hơn nữa ứng phó các thách thức an ninh chung như khủng bố, mua bán người, an toàn công nghệ thông tin, tội phạm xuyên quốc gia diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường trong bối cảnh dịch COVID-19. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương, khu vực và quốc tế trong ngăn ngừa, ứng phó và giảm thiểu các tác động của dịch bệnh; kêu gọi sớm khôi phục mở cửa thị trường, kết nối các chuỗi cung ứng để bảo đảm an ninh lương thực và duy trì hoạt động kinh tế, đẩy nhanh phục hồi toàn diện ở khu vực. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng hiệu quả, an toàn, chất lượng.

Về các vấn đề khu vực, hội nghị chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Ðông. Các ngoại trưởng tái khẳng định các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, đề cao luật pháp quốc tế, nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC). Các nước hoan nghênh tiến triển mới trong xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ quan ngại về tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống kinh tế - xã hội, cho rằng chung tay hành động là sức mạnh để chiến thắng dịch bệnh, đề nghị các đối tác trong ARF, đặc biệt là những nước sản xuất vaccine hàng đầu, tiếp tục hợp tác cùng ASEAN bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ vaccine. Việt Nam mong muốn các nước tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào đối thoại và hợp tác, vì hòa bình và an ninh bền vững ở khu vực.

Về vấn đề Biển Ðông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN và Việt Nam; nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy lòng tin, kiềm chế không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và gây tổn hại tới môi trường biển. Bộ trưởng chỉ rõ cần xử lý tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 - cơ sở pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Việt Nam sẽ tích cực cùng các nước ASEAN khác và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Bày tỏ lo ngại sâu sắc Trung Quốc

Tại hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương bằng vũ lực vẫn đang tiếp diễn và gia tăng nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Ðông và Biển Hoa Ðông. Ông Motegi cũng nhấn mạnh phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về Biển Ðông là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan, đồng thời cho rằng COC cần phải nhất quán với UNCLOS 1982 và không gây tổn hại cho các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên sử dụng Biển Ðông.

Liên quan tới sáng kiến xây dựng khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa, Ngoại trưởng Motegi tuyên bố: Việc duy trì và củng cố các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, công khai, minh bạch và bao trùm ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19. Nhật Bản sẽ bắt đầu các dự án giúp định hình các nguyên tắc của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) phù hợp với “Tuyên bố chung hợp tác về AOIP” được công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản năm ngoái.

Tại hội nghị, theo Hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt hành vi khiêu khích tại Biển Ðông”, đồng thời “nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về sự lạm quyền đang diễn ra ở Tân Cương, Hong Kong và Tây Tạng”. Ông Blinken cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự gia tăng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước ASEAN thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự và tăng cường hợp tác để duy trì ổn định và hòa bình khu vực, đồng thời cùng đối phó với những thách thức an ninh chung. Ông Vương cho rằng khu vực Ðông Nam Á cần phải củng cố khả năng phòng chống đại dịch COVID-19 và cùng đối phó với những thách thức do đại dịch gây ra. Ông cũng nhấn mạnh rằng đến nay, Trung Quốc đã cung cấp 460 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia ở châu Á, trong đó có hơn 190 triệu liều cho các nước ASEAN.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6-8 ra thông cáo báo chí chúc mừng 10 nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN nhân dịp kỷ niệm 54 năm thành lập vào ngày 8-8. Ngoại trưởng Blinken khẳng định quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và ASEAN góp phần vào tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, với ASEAN và các cơ chế do ASEAN lãnh đạo là trung tâm của kiến trúc khu vực. Ông Blinken mong muốn chuyến thăm Singapore và Việt Nam sắp tới của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tiếp tục thảo luận về sự hợp tác trước những thách thức cấp bách trong khu vực và quốc tế, cũng như làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa người dân Mỹ và người dân các quốc gia Đông Nam Á.

Ngoại trưởng Blinken cũng tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác của các nước ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 23 triệu liều vaccine và hơn 158 triệu USD hỗ trợ nhân đạo và y tế cho các nước ASEAN nhằm đối phó với đại dịch. Trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ khu vực này xây dựng lại tốt hơn sau những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra, bằng cách thúc đẩy phục hồi xanh và đảm bảo sẵn sàng cho các đợt bùng phát trong
tương lai.

V.P (Theo TTXVN, Reuters)

Chia sẻ bài viết